Khai mạc cách đây hơn một tháng, trưng bày “Nhật ký hòa bình” của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ghi nhận được nhiều cảm xúc của khách tham quan với từng nội dung chủ đề. Một trong những ấn tượng được nhiều du khách nhắc đến đó chính là hình ảnh, các câu chuyện về nạn nhân và công tác hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam của nhân dân và Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ.
Không gian trưng bày được thiết kế với hình tượng đôi cánh chim bồ câu trắng - sứ giả của hòa bình, tình yêu và hạnh phúc; cùng nhiều đôi cánh chim hạc - biểu tượng của khát vọng sống, nghị lực và hòa bình. Khát vọng sống và mong ước hòa bình của người dân Việt Nam được phản chiếu đối lập bằng những hình ảnh máy bay quân đội Mỹ rải thảm chất độc hóa học xuống mảnh đất hình chữ S.
Chất độc màu da cam phá hủy môi trường và con người trong chiến tranh
Không chỉ có người dân Việt Nam mà người dân Mỹ cũng chịu ảnh hưởng của thứ chất độc giết người, giết nòi giống những thế hệ thứ 2, thứ 3 sau này. Bằng nhiều hoạt động, các tổ chức hữu nghị giữa hai nước đã, đang tích cực giúp đỡ những nạn nhân của chiến tranh, nhất là những trẻ em mang trên mình di chứng chất độc.
Nhiều khách tham quan dừng chân tại các bức ảnh thật lâu vì họ đã từng nghe đến chất độc da cam nhưng chưa hiểu được mức độ ảnh hưởng của nó như thế nào, đặc biệt là đối với các em là thế hệ sau được sinh ra.
Những nạn nhân của chất độc da cam
Với mục đích nhân văn, trưng bày “Nhật ký hòa bình” muốn gửi đến thông điệp vì một thế giới không còn chiến tranh. Ban Quản lý Nhà tù Hỏa Lò đã quyên góp, kêu các tấm lòng hảo tâm và tổ chức cho các em học viên, tham gia khóa học thuyết minh viên nhí năm 2019 đến thăm Làng trẻ Hữu nghị Vân Canh… Bạn Nguyễn Hoàng Bách, học sinh lớp 7 trường Pascal, đã gửi lại xúc động của mình: “Chúng ta là những người may mắn, sinh ra không có bệnh tật nhưng những người là nạn nhân chất độc da cam không được như vậy. Nhờ chuyến đi này, con mới biết ơn những gì mình đang có, biết ơn những chiến sỹ đã giữ gìn độc lập, thống nhất đất nước và biết ơn cả những người không may mắn”.
Bài viết thu hoạch của bạn Nguyễn Hoàng Bách, học sinh lớp 7 trường Pascal
Như lời danh họa Picasso, người Pháp, đã từng nói: “Tôi đứng về phía cuộc sống, chống lại cái chết. Tôi đứng bên cạnh hòa bình, phản đối chiến tranh”, trưng bày “Nhật ký hòa bình” biến những cảm xúc thành hành động từ những hoạt động thực tế và mang nhiều ý nghĩa xã hội.
Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục - Truyền thông