Tin tức– Sự kiện
23/02/2017 16:45 23/02/2017 16:45 3516
Niềm tự hào của quê hương và gia đình
Đồng chí Đoàn Ngọc Phách được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử: thôn Yên Bài, xã Tự Lập, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc, nay thuộc Thành phố Hà Nội. 
Quê hương đồng chí Đoàn Ngọc Phách từng là nơi tập trận của nghĩa quân Hai Bà Trưng (hiện giờ là khu di tích thành Dền, tại cánh đồng Đồng Mã, giáp với cánh đồng xã Tam Đồng). Mảnh đất này cũng là quê hương của bà Trần Nang cùng chồng là Hùng Bảo, đều là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, nhân dân Tự Lập đều có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước.
 
 
Người dân xã Tự Lập lao động, sản xuất
 
Trong kháng chiến chống Pháp, Tự Lập nằm trong địa giới hành chính tỉnh Vĩnh Yên, đây là nơi phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ. Chính vì vậy, đồng chí Đoàn Ngọc Phách khi còn là một thanh niên, sớm được tuyên truyền, giác ngộ và đi theo cách mạng. 
Với những hiểu biết của mình, đồng chí Đoàn Ngọc Phách đã tiếp tục tuyên truyền cách mạng cho lớp thanh niên cùng lứa tuổi ở quê nhà. Cuối năm 1939, đồng chí Đoàn Ngọc Phách cùng những thanh niên tích cực của thôn Yên Bài tổ chức thành lập Hội ái hữu. Đây là một tổ chức công khai, có khả năng tập hợp quần chúng. Hội hoạt động với phương châm “giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn”, tuy nhiên thực chất hội hoạt động nhằm tập hợp những thành phần tích cực, có xu hướng đi theo cách mạng. Hội vận động quần chúng đấu tranh chống lại bọn cường hào ở địa phương; Hội cũng quyên góp tiền để mua sổ xố nhưng chủ yếu là gây quỹ để mua sách báo tuyên truyền cách mạng.
Đêm ngày 01, rạng sáng ngày 02/02/1941, đồng chí Đoàn Ngọc Phách và đồng chí Nguyễn Quang Dán xung phong đi nhận nhiệm vụ treo cờ đỏ búa liềm trên ngọn cây đề, giữa chợ Thạch Đà. Công việc vừa xong cũng là lúc các đồng chí bị tên quản thị phát hiện, hắn ra lệnh cho lính truy bắt các đồng chí. Do không thuộc địa hình nên đồng chí Đoàn Ngọc Phách bị bắt ngay sau đó. Địch còn tung một tiểu đội về Tự Lập lùng sục, khủng bố gia đình đồng chí Phách và gia đình đồng chí Dán. Số tài liệu, truyền đơn còn lại cất giấu trên gác bếp nhà đồng chí Phách được anh em kịp thời phân tán. Sự kiện treo cờ Đảng diễn ra đúng dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương ngày một lên cao.
Các đồng chí bị bắt, địch đưa về giam giữ ở Phúc Yên và dùng mọi hình thức dụ dỗ ngon ngọt, nhưng các đồng chí kiên quyết không khai báo.Tiếp đến, chúng đã dùng các hình thức tra tấn nhằm lung lạc tinh thần của các đồng chí, nhưng cũng không thu được kết quả gì. Chúng kết án đồng chí Đoàn Ngọc Phách và Nguyễn Quang Dán mỗi người 3 năm tù giam, chuyển về giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò từ tháng 4/1941 đến tháng 4/1944. 
Ngày 22/02/2017, nhân dịp đầu Xuân mới, Đảng ủy và chính quyền xã Tự Lập cùng gia đình đồng chí Đoàn Ngọc Phách đã tổ chức chuyến về thăm di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, làm lễ dâng hương tại Đài Tưởng niệm và tham quan các phòng trưng bày tại Di tích. Các con, cháu của đồng chí Đoàn Ngọc Phách rất tự hào vì tên của Cha, Ông mình đã được vinh danh tại bảng số 20, Phòng Ghi danh của Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Đảng bộ và chính quyền xã Tự Lập tự hào vì địa phương đã đóng góp cho cách mạng những người con ưu tú, trung kiên.
 
 
Đoàn tham quan di tích lịch sử Nhà tù Hoả Lò
 
Hy vọng rằng, sau chuyến tham quan của gia đình đồng chí Đoàn Ngọc Phách cùng chính quyền địa phương xã Tự Lập, huyện Mê Linh, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò sẽ tiếp tục được đón nhiều hơn nữa những gia đình, dòng họ và địa phương, nơi sinh ra, nuôi dưỡng những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, những người đã mang lại niềm tự hào cho gia đình, quê hương. Việc làm ý nghĩa này sẽ góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống cho con cháu trong gia đình, giúp thế hệ trẻ thêm tự hào về quê hương.
 
 
Tấm bảng đồng ghi danh đồng chí Đoàn Ngọc Phách tại di tích Hoả Lò
 
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Trưng bày Tuyên truyền

Chia sẻ: