Kể từ ngày những tù binh tại trại giam Hỏa Lò (Hà Nội) được Việt Nam trao trả cho phía Mỹ tại sân bay Gia Lâm (12/2/1973), cựu tù binh - phi công Halyborton Porter Alex đã nhiều lần trở lại Việt Nam. Người ta bảo, Halyborton đến Việt Nam như là một sự sám hối. Còn Halyborton tâm sự: “Đó mới chỉ là một nửa, tôi muốn tìm lại một kỷ vật của thời chiến...”.
Ngày 10/3/2005, cựu binh Halyborton trở lại Việt Nam với vợ và một số người bạn Mỹ. Sau khi đến Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, ông tự tách đoàn, lang thang ngắm nhìn hiện vật. Halyborton dừng lại khá lâu bên chiếc tủ kính, được đặt dưới chân chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 843, nơi trưng bày khá nhiều hiện vật về phi công Mỹ bị bắn rơi, bị bắt sống ở miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1964 - 1972. Chợt ông sửng sốt reo lên “My shoes! My shoes…!” (Giày của tôi! Giày của tôi…!). Halyborton mừng quýnh lên, ông nhìn ngó và nhận ra phía trong đôi giày vẫn còn chữ Haly do chính ông viết để đánh dấu cho khỏi nhầm lẫn với giày của các phi công khác. Halyborton sung sướng tâm sự: “Tôi đã nhiều lần đến thăm bảo tàng này, ngắm đi ngắm lại những nơi bày xác máy bay, trang bị phi công mà không tìm lại được một vật nào của mình. Và lần này thật tình cờ, may mắn…”.
Halyborton là một trong số rất ít người may mắn tìm lại được kỷ vật trong chiến tranh tại Việt Nam. Cách đây 40 năm, khi đó, Halyborton là phi công lái máy bay chiến đấu của Hạm đội 7. Năm 1964, viện cớ “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Tổng thống Mỹ quyết định mở cuộc hành quân “Mũi tên xuyên”. Ngày 5 tháng 8 năm 1964, Mỹ chính thức ném bom đánh phá miền Bắc Việt Nam. Lúc đó, Halyborton vừa tròn 23 tuổi, là một trong những phi công trẻ nhất từ Mỹ được đưa đến Hạm đội 7.
Ngày 17 tháng 10 năm 1965, là ngày đen tối của Hạm đội 7, có rất nhiều máy bay bị bắn rơi trên bầu trời Bắc Việt Nam. “Tôi lái chiếc F-4 từ hướng Bắc bay thẳng vào vùng Kép- Lạng Sơn, chưa kịp tiếp cận mục tiêu, phi công chúng tôi đã vấp phải lưới lửa phòng không tầng thấp, tầng cao dày đặc. Chúng tôi vừa phải tìm đường tránh tên lửa vừa phải tính kế tiếp cận mục tiêu. Nhưng không kịp, một quả tên lửa đã lao trúng vào máy bay của chúng tôi. Máy bay bốc cháy dữ dội, tôi kịp bấm dù còn thiếu tá Olmstead Stanley E cùng bay với tôi đã không kịp…”, Halyborton nhớ lại.
Từ Mỹ sang Việt Nam tham chiến, Halyborton thực hiện được 250 giờ bay, rồi trở thành tù binh chiến tranh của Việt Nam. Một tốp dân quân địa phương đã bắt được ông, sau đó viên phi công Mỹ được đưa về “lưu trú” ở nhà tù Hoả Lò (Hà Nội). Tại đây, Halyborton gặp lại những phi công của hạm đội 7, họ cũng bị bắt cùng ngày với ông như trung uý Gaither, Ralph Ellis, trung uý Knutson, Rodney Allen, trung uý Weeat, David Robert. Kể từ đó, Halyborton sống cùng những phi công khác ở Hoả Lò khoảng gần 8 năm, cho đến ngày 12 tháng 2 năm 1973, họ được Chính phủ Việt Nam trao trả cho phía Mỹ tại sân bay Gia Lâm. “Chúng tôi trở về Mỹ bằng bộ quần áo blu dông, trên tay xách chiếc xắc du lịch đựng đồ tư trang do Chính phủ Việt Nam trang bị. Rất nhiều phi công trong số chúng tôi mang theo chiếc điếu hút thuốc lào, quạt nan sử dụng khi sống ở Hoả Lò - Hà Nội làm kỷ niệm”, Halyborton nói.
Chiếc áo bludong phi công Mỹ được chính quyền Việt Nam cấp phát trước khi trao trả
Chiếc quạt nan cùng một số vật dụng chính quyền Việt Nam cấp, phát cho tù binh phi công
trong thời gian tạm giam tại trại giam Hỏa Lò
Bá Kiên – Trần Dương (Báo Tiền Phong)