Bài viết
22/07/2016 16:25 22/07/2016 16:25 2133
Hành trình lưu đày gian khổ của người tù Hỏa Lò (phần 2)
Phần 2: Hành trình đi bộ từ Hòa Bình đến Nhà tù Sơn La
Sau khi đến Hòa Bình, đoàn tù nhân đi bộ đến Bến Ngọc và nghỉ tại trại lính khố xanh. Đến buổi trưa, sau khi ăn cơm xong thì lên xe đi đến Suối Rút, một thị trấn ven sông Đà. Buổi tối, người tù bị dồn vào ở trong đồn Pháp đóng quân. Theo hành trình, mỗi khi đoàn tù lên Sơn La đều phải nghỉ tại đây một đêm.
Nghe tin có đoàn chính trị phạm Hỏa Lò lên, nghĩa là những người dũng cảm dám đứng lên để đánh giặc cứu nước, đồng bào đều tìm đến để thăm hỏi. Có những cụ bà mắt đã mờ vừa hỏi chuyện vừa sờ mình các chiến sỹ thấy gầy ốm tiều tụy thì thương cảm đến trào dâng nước mắt. 
Bọn thống trị thấy đồng bào đến thì canh gác rất nghiêm ngặt, không cho đến gần. Tuy vậy, đồng bào vẫn cử được một đoàn đại biểu vào thăm và khao người tù một bữa xôi chè. Đoàn tù cũng gửi lời cảm ơn và nhắn với đồng bào hãy tin tưởng vào ngày mai tươi sáng của dân tộc.
Sau khi nghỉ một đêm tại thị trấn Suối Rút, đoàn tù nhân bắt đầu hành trình đi bộ gần 200 cây số đường đèo, dốc để đến Nhà tù Sơn La. Riêng tên thiếu úy Pháp đi áp giải thì cưỡi ngựa.
 
 
 Xà lim ngầm nằm sâu 3m dưới lòng đất, Nhà tù Sơn La
 
Trong những ngày tháng 1/1940, khí hậu vùng rừng núi Tây Bắc quả là khắc nghiệt. Ban đêm, giá lạnh thấu xương. Sáng dậy, sương muối buốt thịt. Gần trưa, nắng rất oi bức. Mặt trời lặn là sương xuống đầy, rét tê người.
Theo quy định của bọn áp giải, mỗi ngày đoàn tù phải đi bộ 24 đến 25 cây số, mỗi giờ phải đi được 4 cây số và được nghỉ mỗi giờ 10 phút. Nhưng cũng có ngày phải đi tới 36 cây số, buổi trưa ăn cơm ở giữa đường. Đối với người tù, từ lâu đã bị giam giữ, có người bị cùm chân hàng tháng nên bắt đi bộ liên miên quả là một cực hình. Chỉ sau nửa ngày, chân của tù nhân đã nứt và sưng vù.
Những đôi dép “quai một” do nhà tù phát chỉ sỏ chân được vài lần đã hỏng. Biết trước như vậy nên người tù đã chuẩn bị giày vải hay lấy vải bó chân nhưng lê bước trên đường gập ghềnh, đầy sỏi đá, nhiều lúc giầy cũng hỏng và vải cũng bung ra. Một người ngã thì kéo theo cả bạn “đồng xích” của mình cùng ngã. Một người yếu bụng thì kéo theo cả bạn “đồng xích” của mình cùng “chịu đựng”.
 
 
Cùm, xiềng xích - Thực dân Pháp sử dụng để giam cầm các tù nhân tại Nhà tù Sơn La
 
Để động viên nhau trên chặng đường gian khổ, đoàn tù nhân cùng nhau hát vang những bài ca cách mạng: Cùng nhau đi hồng binh, Quốc tế ca, Quốc tế cộng sản… Các đồng chí hát khi đang đi, khi dừng chân nghỉ bên đèo. Về sau, ai nhớ bài hát khác, ai nhớ chuyện vui nào thì kể cho mọi người cùng nghe. Và cảnh sống thực của đoàn tù Hoả Lò trên đường đi đày đã được đồng chí Trần Huy Liệu khắc họa bằng những câu thơ:
“Rừng rậm non cao vẫn đợi chờ,
Chả đi mà hái mấy vần thơ.
Anh em ta quyết đi du lịch,
Đâu chịu loanh quanh xó Hoả Lò.

Một xích hai thằng khắp đó đây,
Ngủ, ăn, đái, ỉa chẳng rời tay,
Anh em ta thắt dây ”liên lạc”
Trên bước đường xa, cát bụi đầy”.
                      (Sơn La hành khúc)
Buổi tối, đoàn tù nhân vào nghỉ tại một bản nào đó theo chương trình đã định. Đây là thời gian Ban tiếp tế và Ban tuyên truyền của đoàn tù tăng cường hoạt động ráo riết. Với những nguyên liệu được cung cấp, Ban tiếp tế cố làm cho anh em được ăn một bữa ngon lành sau một ngày đi đường vất vả. Ban tuyên truyền tìm cách tiếp xúc với nhân dân và chỉ cho họ thấy những sự áp bức bóc lột mà họ phải chịu đựng, đặc biệt phải giới thiệu cho họ biết đây là những chiến sỹ cách mạng bị bắt vì tham gia đấu tranh giành độc lập cho nước nhà không phải là những người Kinh phạm tội trộm cắp, giết người như bọn thống trị đã thông báo.
 
 
 Nơi viết báo “Suối reo” của các chiến sỹ cách mạng tại Nhà tù Sơn La
 
Một hôm, vào xế trưa, nắng còn gay gắt, khi đoàn tù đang leo dốc Chiềng Đông (Châu Yên), có một tù thường phạm tên là Nuôi do quá mệt nên gục nằm sõng sượt trên đường, kéo theo bạn tù cùng xích ngã bệt xuống đất. Hai tên lính áp giải dùng báng súng thúc vào người anh nhưng anh vẫn không sao gượng dậy được. Cả đoàn tù phải dừng lại. Thấy vậy, tên thiếu úy Pháp liền lấy roi da quất túi bụi vào người anh nhưng anh vẫn không nhúc nhích. Hắn bèn ra lệnh tháo còng, dùng dây buộc anh với đuôi ngựa rồi kéo lê đi trên mặt đường đá.
Trước hành động dã man trên, những người tù chính trị hết sức phẫn nộ, ngồi bệt xuống đường, kiên quyết phản đối. Tên thiếu úy Pháp lúc đầu còn hùng hổ đe dọa, nhưng về sau phải đấu dịu, chịu để cởi trói cho anh Nuôi. Các đồng chí đã dồn nước cho anh uống, để anh nghỉ ngơi một lát rồi động viên anh dựa vào bạn tù mà đi.
 
 
 Cổng Nhà tù Sơn La
 
Cố gắng lê bước trên con đường đầy đá sỏi, ngày 21/1/1940, đoàn tù đã đến được Nhà tù Sơn La. Được thông báo trước là tù chính trị ở Hoả Lò, Hà Nội rất cứng đầu cứng cổ nên tên chúa ngục Sơn La bắt đầu ra oai trấn áp. Thấy đồng chí Xuân Thủy đầu còn đội mũ, cổ còn quàng khăn, hắn xô tới đánh ngay. Cả đoàn tù đều căm phẫn, nhất tề phản đối mạnh mẽ. 
Sau khi đến Nhà tù Sơn La, đoàn tù đều bị húi trọc đầu và thay bộ quần áo Nhà tù Hoả Lò bằng bộ quần áo tù có in chữ “P.S” (Pénitencier Sơn La: Nhà tù Sơn La).
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Hồi ký Trần Huy Liệu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991.
- Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tuyển tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

Chia sẻ: