Bài viết
19/08/2016 08:46 19/08/2016 08:46 2002
Sinh hoạt văn nghệ trong Nhà tù Hỏa Lò
Các chiến sĩ yêu nước, cách mạng trong Nhà tù Hỏa Lò luôn tỏa sáng tinh thần lạc quan yêu đời, luôn tìm mọi cách để tổ chức cuộc sống trong tù được tốt hơn. Chính bởi lẽ đó, nhiều ban đã được thành lập như: Ban sinh hoạt, ban trật tự, ban ngoại giao và ban văn nghệ. Để khắc phục mọi khó khăn trong tù, với tinh thần, ý chí vượt lên tất cả, kịp thời cổ vũ động viên các anh chị em trong các trại giam. Ban văn nghệ hoạt động rất sôi nổi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ với nhiều hình thức phong phú nhân dịp các ngày lễ, tết Nguyên đán như: tổ chức hát chèo, diễn tuồng, diễn kịch, thi thơ, bình thơ, đá cầu, dạy hát cho anh chị em tù nhân. Nhiều bài ca cách mạng đã được truyền đi từ trại nam sang trại nữ như: “Cùng nhau đi hồng binh”, “Đón gió xuân”, “Đừng khóc nữa”, “Giữ trọn lòng thành”.
Mặc dù điều kiện trong tù rất thiếu thốn, nhưng ban văn nghệ vẫn tổ chức được những buổi diễn kịch khá quy mô. Nội dung các vở kịch thường dựa vào các tích lịch sử hoặc do anh chị em tự biên soạn với những nội dung châm biếm, đả kích những thói hư, tật xấu trong xã hội, ca ngợi cách mạng, tố cáo tội ác của thực dân…Năm 1931-1932, tại trại giam nam tù chính trị anh chị em đã tổ chức diễn vở kịch “Anh hà tiện”, “Tiếng bom Sa Diện của Phạm Hồng Thái”.
Tại trại nữ, đêm giao thừa năm năm 1944 có vở  “Táo quân lên thiên đình”. Năm 1952, diễn vở kịch “Táo quân với Ngọc Hoàng”. Những vở kịch vui được tù nhân dàn dựng và trình diễn ngay trong các phòng giam của nhà tù gắn với nội dung ca ngợi cách mạng, tố cáo tội ác của kẻ thù. 
Để chuẩn bị cho buổi diễn, các chị đã nhờ người nhà gửi vào những vật dụng cần thiết: giấy màu các loại, giấy trang kim, hồ dán, ống giang... những thứ đó, chị em phải giấu như giấu tài liệu. Ban ngày, các chị phải lấy chăn, quần áo đè lên tránh bị lính canh phát hiện. Buổi tối, các chị em phân công nhau làm thành áo dài, mũ táo quân... và tập các đoạn thoại, đoạn thơ đọc trong vở diễn. Đúng vào tối giao thừa, sân khấu đã được dàn dựng ngay trong phòng giam lớn và chị em đã tập trung đông đủ tại đây. Tuy nhiên, do số lượng chị em quá đông nên nhiều chị phải ngồi dưới gầm sàn. Một số chị em khác phải đứng tập trung, che kín cửa ra vào để tránh bị đầm gác phát hiện. Vở kịch với nội dung đả kích chế độ nhà tù khắc nghiệt, mượn các đoạn thơ, đoạn hội thoại để châm biếm toàn quyền Đờ-cu, vua Bảo Đại... 
Buổi diễn kịch đã tạo không khí vui vẻ, gắn chặt tình đoàn kết giữa những tù nhân trong Nhà tù Hỏa Lò. Xua tan đi những nhọc nhằn do chế độ tù đày hà khắc, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho các nữ chiến sỹ cách mạng. 
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, tù nhân trong các trại tổ chức các hoạt động bình thơ, chơi cờ đón xuân. Để tạo thêm không khí trong các trại giam tù nhân treo cờ đỏ sao vàng, chân dung Bác Hồ do họ vẽ và khẩu hiệu “Mạnh khoẻ, tin tưởng và chiến thắng”. Phút giao thừa, mọi người quây quần bên nhau trò chuyện, hát, đọc thơ mừng xuân để vơi đi nỗi nhớ nhà và quên đi những khó khăn nơi tù ngục. Những hoạt động này được diễn ra thường niên, khiến cho giám ngục rất hoang mang, lo sợ, luôn phải tìm cách đối phó với tù nhân mỗi khi tết đến, xuân về.
 
 
Khẩu hiệu - Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò tự tạo sử dụng trong đêm giao thừa, Tết Nhâm Thìn, năm 1952
 
Anh chị em tù nhân còn tổ chức các hoạt động nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn như: ngày Quốc tế Lao động 01/5, ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5, ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 02/9. Tiêu biểu có thể kể đến như ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 02/9/1951 diễn ra tại trại O, P và trại nữ. 
Các trại đã lập kế hoạch đấu tranh, đối phó nếu bị phát hiện. Tù nhân trong các trại O, P và trại nữ đều chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần kỷ luật cao. Các trại cử người thuyết phục giám ngục và chuẩn bị tiến hành cảnh cáo chúng khi cần thiết. Dự kiến vào dịp này, tù nhân trong các trại sẽ tổ chức chào cờ, hát Quốc ca, sau đó sẽ cử đại diện trình bày ý nghĩa của 2 ngày lịch sử trên, ôn lại công lao của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. 
 
Cờ - Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò tự tạo sử dụng trong đêm giao thừa, Tết Nhâm Thìn, năm 1952
 
Những hoạt động sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đầy ý nghĩa của tù nhân trong Nhà tù Hỏa Lò đã giúp họ có thêm sức mạnh để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đây cũng là thông điệp gửi tới thế hệ trẻ hôm nay hãy luôn lạc quan, yêu đời đó sẽ là động lực giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
     Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Trưng bày Tuyên truyền

Chia sẻ: