Bài viết
18/01/2017 16:38 18/01/2017 16:38 5587
“Khách sạn Hilton” - Hà Nội ngày ấy qua lời kể của người quản giáo
Chúng tôi may mắn gặp được Đại tá Lưu Văn Hợp, Phó trưởng Ban Đối ngoại Hội Cựu chiến binh Việt Nam, nguyên Tổ trưởng tổ quản giáo tù binh phi công Mỹ ở Trại giam Hỏa Lò, tại trụ sở của Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Ông đã cung cấp cho chúng tôi nhiều chi tiết thú vị của một “người trong cuộc” về những tháng ngày ông tiếp xúc với tù binh phi công Mỹ ở Trại giam Hỏa Lò (từ 1970 - 1973).
 
Đại tá Lưu Văn Hợp cho biết: Trại giam Hỏa Lò có cơ cấu tổ chức trong đó Ban Lãnh đạo trại gồm: Trại trưởng, Trại phó (biết tiếng Anh) và Chính trị viên; Bộ phận Tham mưu (biết tiếng Anh) là tổ trưởng của 4 tổ quản giáo có nhiệm vụ tuyên truyền chính sách của Nhà nước ta qua hệ thống truyền thanh của trại, thẩm vấn những tù binh mới bị bắt đưa về trại, kiểm tra lần cuối các thư của tù binh phi công gửi về gia đình; Mỗi tổ quản giáo có từ 8-10 người gồm có: tổ trưởng, tổ phó và nhân viên quản giáo làm nhiệm vụ quản lý trực tiếp tù binh hàng ngày, tổ chức cho họ thực hiện tốt nội quy của trại, giúp họ có nhận thức đúng đắn về chính sách nhân đạo của chính phủ Việt Nam, hiểu rõ cuộc chiến tranh phi nghĩa của chính phủ Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam; Tiểu đội hậu cần - Cấp dưỡng được chia làm hai bộ phận: phục vụ cho cán bộ chiến sỹ và phục vụ cho tù binh phi công Mỹ; Đội cảnh vệ chuyên kiểm tra quân số và mở đóng cửa trại giam; Đội bảo vệ suốt ngày đêm canh gác bên trong và bên ngoài trại giam.
Đại tá Lưu Văn Hợp là một trong bốn tổ trưởng tổ quản giáo trong Trại giam Hỏa Lò khi đó, người trực tiếp thẩm vấn tù binh phi công Mỹ từ những ngày đầu tới trại, ông cho biết: Phi công Mỹ phần lớn họ có trình độ văn hóa cao, hầu hết những phi công lái B52 bị bắt trong 12 ngày đêm tại Hà Nội đều có trình độ học vấn cử nhân thậm chí một số người là thạc sỹ, một số người có năng khiếu nghệ thuật, vẽ rất đẹp.
 
 
Tranh, phi công Mỹ vẽ trong Trại giam Hoả Lò
 
Trong “Khách sạn Hilton Hà Nội” ngày ấy, phi công Mỹ được đảm bảo chế độ ăn, uống. Mỗi bữa được hai cái bánh mỳ nóng, một tô súp khoai tây, hoặc bí xanh, bí đỏ, 02 lạng thịt lợn hoặc bò, một ca sữa hoặc cà phê. Đặc biệt nhà bếp của bộ đội ta được bố trí sát tường sau của một phòng giam. Cũng chính điều này đã làm thay đổi nhận thức của tù binh phi công Mỹ. Bởi họ thường vịn tay lên cửa sổ nhìn ra và thấy bữa ăn đạm bạc của bộ đội ta, kém xa tiêu chuẩn ăn của tù binh. Hàng tháng họ được khám sức khỏe định kỳ. Những bệnh lý thông thường được bốn y, bác sỹ túc trực tại Trại giam điều trị. 
 
 
Bữa ăn của phi công Mỹ tại Trại giam Hỏa Lò trong ngày Giáng sinh
 
Không chỉ chăm lo về điều kiện vật chất, phục hồi tinh thần cho tù binh phi công cũng là một mục tiêu của ta, hàng ngày họ được ra sân tập, tắm nắng, tắm nước hai lần sáng và chiều. Nhiều hoạt động thể thao được diễn trong giờ ra sân giữa phi công Mỹ với nhau và ngay cả giữa phi công Mỹ và giám thị. 
 
 
Đại tá Lưu Văn Hợp đón tiếp thân mật vợ chồng cựu tù binh phi công Mỹ Chuck Jackson
và cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 12/1/2017
 
Qua một thời gian ngắn bị giam tại Trại giam Hỏa Lò, sự lo âu khi mới bị bắt dần tan biến, tù binh phi công đã nhanh chóng thay đổi nhận thức và có cái nhìn khác về cuộc chiến tranh do chính phủ Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam. Để rồi khi được trao trả, trở về nước, nhiều người trong số họ đã quay trở lại Việt Nam nói lời cảm ơn nhất là những người đã cứu sống họ.
 
Lại Thị Minh Thu, Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm

Chia sẻ: