Bài viết
25/11/2016 10:19 25/11/2016 10:19 1917
Giảng đường trong ngục thép
Trong các năm 1932 - 1934, phong trào học tập trong Nhà tù Hỏa Lò được anh em hưởng ứng và tham gia rất sôi nổi, kết hợp học văn hóa, ngoại ngữ với lý luận quân sự cách mạng.
Các thứ tiếng như: Anh, Pháp, Hán đều được anh em dạy nhau học. Tiếng Pháp, tiếng Anh do thày Nghiêm Toản (sau này là Giáo sư Nghiêm Toản) và nhiều người lớn tuổi khác từng là thầy giáo giảng dạy. 
Học chữ Hán do các đồng Khóa Toan và Nguyễn Danh Hoàn (quê Thái Bình) hướng dẫn. Học chữ Hán phải tập viết nhiều mới nhớ được mặt chữ. Các đồng chí đã phải cuốn miếng vải mềm vào đầu đũa giống như bút lông, rồi chấm nước lã làm mực để viết tập trên mặt sàn gỗ các chữ cần học. Học chữ Hán nhưng lại không có giáo trình mà chủ yếu sử dụng các cuốn Kinh thánh in chữ Hán như “Thánh giáo yếu lý”, “Minh giáo xích độc” do cố đạo Dronet mang vào truyền đạo. Các đồng chí học chữ Hán bằng cách truyền miệng, dịch nghĩa theo lời giảng của thầy giáo. Khi học xong thì các cuốn sách đó cũng đen ngòm các dòng chữ ghi ở bìa sách. Bằng cách học đó, nhiều đồng chí đã đọc được cả cuốn sách bằng chữ Hán, cả cổ văn lẫn bạch thoại, trong đó có cuốn “Ẩm băng thấp” của Lương Khải Siêu viết theo lối cổ văn.
 
 
Phù điêu tù chính trị học tập trong trại giam
 
Đồng chí Trường Chinh lại có cách học chữ Hán của riêng mình, đồng chí đọc cuốn “Thánh giáo yếu lý” và đánh dấu vào những chữ cần dịch nghĩa, gửi lại cho thày giáo ghi âm, dịch nghĩa giúp, theo đồng chí thì “ học như vậy mới nhớ lâu”.
Việc học ngoại ngữ của nhiều tù chính trị trong Nhà tù Hỏa Lò được diễn ra liên tục. Những người tham gia học cũng rất chăm chỉ, bền bỉ, nhẫn nại, “quyết đi sâu vào vùng trời bao la, rộng lớn của học tập để khám phá những điều mới lạ mà mình chưa biêt”. Qua mấy năm ở tù, trình độ của nhiều người được nâng cao, hiểu biết được mở rộng thêm. Một số người còn đọc được những tác phẩm văn học của Pháp thế kỷ XVII, XVIII hay các giáo trình tiếng Pháp  như: “Philosophie Scientiphique et Philosophie morale” của Felicien Challaye; “Les lecons de Philosophie - Psychologique” của Edmond Roustan… 
 
Cuốn sách tiếng Pháp Assimil - tù chính trị sử dụng để học ngoại ngữ
 
Những người đọc được chữ Hán còn nghiên cứu những cuốn “Nho giáo” của Trần Trọng Kim và say mê đọc “Truyện Kiều”, “Chinh phụ ngâm”, “Cung oán ngâm khúc”…
Nguyễn Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn
- Tài liệu tham khảo: “Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội trong những năm 1930” - Hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Chi (tức Chi con).

Chia sẻ: