Không ít đồng chí cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò luôn “mang ơn” những cây bàng “tình nghĩa”, bởi các bộ phận trên cây bàng từ lá, quả, búp bàng non… đều là nguồn dược liệu quý, có lúc trở thành “thuốc bổ hồi sinh” giúp các đồng chí phục hồi sức khỏe sau những trận ốm nặng.
Nhưng rồi thần chết cũng chưa đến cướp tôi đi. Tôi vẫn sống ngắc ngoải, lúc sốt cao miên man trên 40- 42oC, có lúc hơi tỉnh lại nghe loáng thoáng được tiếng nói xung quanh. Có đêm chuột đến cắn tai, máu chảy cũng không biết đau, sáng dậy sờ thấy máu, la lên; những người bên cạnh đã đi rồi, người bên giường khác tình trạng cũng chẳng kém gì tôi. Một tuần sau cũng tên y sĩ này với hai giám thị đến nhà xác điểm danh, xem ai chết ai còn sống. Chúng cầm tay tôi và tên y sĩ lại nói "Il respire encore" (nó còn thở). Sau đó chúng đưa tôi trở lại bệnh xá và qua được cơn hiểm nghèo. Đúng là từ cõi chết trở về. Anh em trong trại được tin, tăng cường giúp tôi thuốc để điều trị và đặc biệt gửi cho tôi nhiều quả bàng chín, lúc đó đúng là loại "thuốc bổ hồi sinh", giúp tôi hồi phục dần dần. Theo quy định của Ban Sinh hoạt, anh em nhặt, rửa sạch những quả bàng, chuyển cho tổ y tế bảo quản và phân phối theo yêu cầu bồi dưỡng bệnh nhận ốm yếu. Tôi được liệt vào loại đó, ngày ngày, có từ 4 đến 5 quả bàng chín, ăn cả vỏ lẫn nhân bên trong để bổ sung cho khẩu phần hàng ngày.
Đồng chí Nguyễn Đậu Tân, tù chính trị nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1930-1945
…Cũng như đồng chí Nguyễn Đậu Tân, người cùng với tôi ra đợt đầu ở nhà tù Hỏa Lò, bị tê phù, không đi lại được, đã nhờ anh em chăm sóc, bằng rau giá làm từ đỗ xanh, quả bàng, đã dần dần hồi phục đi lại bình thường. Thật không sao kể xiết những tình cảm quý báu, sự chăm sóc nhiệt tình, tận tụy của các đồng chí tù nhân cùng cảnh lao tù ở Hỏa Lò Hà Nội.
....
Tôi xin viết thêm về đồng chí Bùi Lâm, chúng tôi coi như người anh cả đã từng là thủy thủ tàu buôn viễn dương Pháp, đã được gặp Bác Hồ ở Pháp và là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Anh nói tiếng Pháp kiểu bình dân khá thạo biết nhiều tiếng lóng, thổ ngữ Pháp. Anh nói l¬ưu loát nên bọn cai tù nể phục. Anh là kho chuyện kể không bao giờ hết, thâu đêm suốt sáng. Có lúc, chúng tôi đi quanh các cây bàng, nghe anh kể chuyện tiếng nói sang sảng giúp chúng tôi hiểu được nhiều điều thú vị, bổ ích quên bớt nhọc nhằn, cảnh rét lạnh trong nhà tù”.
Trong hồi ký “Người chiến sỹ liên lạc nhỏ tuổi của căn cứ địa Trung ương thời tiền khỏi nghĩa - Những ngày bị giam ở Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội” đồng chí Tạ Quốc Bảo, nguyên Trưởng ban Ban Liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1945) viết:
Đồng chí Tạ Quốc Bảo, tù chính trị nhà tù Hỏa Lò giai đoạn 1930-1945
“Tôi đã từng có kỉ niệm đáng nhớ về cái Tết ở Hoả Lò. Năm Giáp Thân (1944) sắp qua, tù nhân chuẩn bị đón mừng Tết sắp tới. Thân thể ở trong lao nhưng lòng người chúng tôi vẫn nhớ về Tết cổ truyền dân tộc. Ngày Tết này tuy không có thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ, không gia đình, người thân ở cạnh nhưng anh em có bạn tù, có đồng chí đồng đội, những người cùng cảnh ngộ, laị có niềm vui nữa từ ngoài truyền vào: phong trào Việt Minh đang nổi lên rầm rộ khắp nơi. Ban khánh tiết nhà tù được thành lập. Anh em tập hát bài đồng ca chào xuân mới. Có câu:
“Ban khánh tiết bày ra trò vui
Đời anh em ta âm u trong tù đây
Vẫn tươi cười, vẫn vui đùa.
Tinh thần luôn nhớ tới thù chung.
Ta quyết chiến đấu”.
Cây bàng trong sân Nhà tù Hỏa Lò
Rồi tù nhân nam đóng giả gái, quần áo được chắp vá từ quần áo cũ. Anh em đóng vai nữ cạo sạch lông mày rồi vẽ uốn một nét nhỏ viền lên. Môi, má được bôi phẩm hồng, đầu tóc được cuốn vành, chít khăn. Bọn cai ngục cho ra sân, các diễn viên “phái yếu” mềm mại, múa hát quanh gốc bàng. Gốc bàng Hoả Lò này đã từng cho búp non để tù nhân chữa các bệnh đường ruột, mang lại bóng mát để tù nhân múa hát mừng xuân năm 1945” (Còn tiếp).
Trích dẫn: Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu Sưu tầm