Từ sau năm 1930, số người bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội ngày càng đông, chính vì vậy trong thời gian này tại đây đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi của tù chính trị.
Các lớp học tập lý luận chính trị, quân sự, hoạt động văn hóa nghệ thuật đã tạo nên một không khí nhộn nhịp, một cuộc sống tinh thần lạc quan, tin tưởng. Các đồng chí đã chuẩn bị cho mình một hành trang về kiến thức để khi thoát khỏi nhà tù lại tiếp tục hoạt động cách mạng.
Nhiều đồng chí đã tranh thủ thời gian bị giam giữ để viết các tài liệu tổng kết về đường lối chính trị, tổ chức vận động cách mạng, tổng kết công tác công vận, nông vận, phụ vận, thanh vận, binh vận, tổng kết phong trào Xô Viết – Nghệ Tĩnh, phong trào công nhân, nông dân ở các khu mỏ Hồng Gai, Vinh, Bến Thủy, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, đồn điền Phú Riềng.
Đồng chí Trịnh Đình Cửu là người có kinh nghiệm viết các tài liệu tuyên truyền về chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa duy tâm; Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh lại là người tổng kết các phong trào Cách mạng rất sâu sắc, mặc dù lúc đó đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đang bị giam trong xà lim tử hình, nhưng đồng chí vẫn cố gắng viết các tài liệu chuyển cho chi bộ nhà tù, để các đồng chí khác chép ra thành nhiều bản phục vụ công tác tuyên truyền.
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh khi bị thực dân Pháp bắt
Tổ chép tài liệu là những đồng chí còn đang ở độ tuổi học sinh, chữ viết đẹp, rõ ràng như: đồng chí Chi con (quê Hồng Gai), đồng chí Truy đen (quê Thái Bình), đồng chí Sách (quê Hải Dương)… Giấy dùng để viết tài liệu là loại giấy cuốn thuốc lá, để tiết kiệm giấy và cũng để dễ dàng cho công tác tuyên truyền, cất giấu tài liệu, các đồng chí đã dùng bút chì Nirge vót nhọn viết những dòng chữ nhỏ li ti. Tài liệu được chép xong sẽ cuộn nhỏ lại và luồn vào gấu áo hay gấu quần rồi khâu kín lại để chuyển đi các nơi. Số tài liệu còn lại thì được giấu vào “hầm bí mật” ở dưới chân tường, gầm sàn và được ngụy trang cẩn thận, nên dù lính canh hay cai ngục có lục soát cũng khó phát hiện được.
Cũng trong thời gian này, chi bộ nhà tù đã ra các tờ báo “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, báo “Lao tù”… do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chắp bút. Tổ chép tài liệu lại tích cực làm việc để có được nhiều bản gửi đi những nơi cần thiết.
Tù nhân chuyền tay nhau những tài liệu do chính họ biên soạn
Để giác ngộ những viên lính Âu, Phi làm nhiệm vụ canh gác nhà tù, đồng chí Chi con và đồng chí Truy đen còn học thuộc nội dung các tài liệu bằng tiếng Pháp, rồi trèo lên cửa sổ cạnh chòi canh tuyên truyền cho họ. Lúc đầu họ không chịu và đuổi các đồng chí xuống, nhưng nhờ sự kiên trì, nhẫn nại của hai đồng chí mà lâu dần họ hiểu ra và tỏ ý đồng tình. Sau này, khi đã có cảm tình, những người lính Âu, Phi đó còn nói chuyện với 2 đồng chí và tặng các đồng chí thuốc lá và bánh mì đen.
Nguyễn Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn
- Tài liệu tham khảo: “Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội trong những năm 1930” - Hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Chi (tức Chi con).