Trong cuộc đấu tranh với kẻ thù đồng hành với các thế hệ tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, đó là những cây bàng đã “thầm lặng” góp sức, luôn chứa đựng nguồn sinh khí vô tận bồi bổ cho sức khỏe. Cây bàng không chỉ xuất hiện trong những trang hồi ký của các đồng chí nam tù chính trị mà còn xuất hiện đầy thi vị trong những dòng tâm sự của các đồng chí nữ tù chính trị.
Trong bài thơ “Cuộc sống ở Hỏa Lò”, sáng tác tháng 9/1944, đồng chí Nguyễn Thị Tam tức Nguyễn Thị Hoàn, bị thực dân Pháp bắt, giam tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1942 đến 1945, đã viết những vần thơ:
Đồng chí Nguyễn Thị Tam, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
giai đoạn 1930 - 1945
“Gió thu lác đác lá bàng rơi.
Cây che bóng mát giữa sân chơi
Ngày ngày lính gác vào điểm mặt
Ăn chậm là bị đánh tả tơi
Ngày hai bữa cá thối rau ôi
Khoanh tay bó gối, tạm ngồi thôi.
Nhà tù khắc nghiệt nơi rèn luyện
Chí căm thù ta càng sục sôi…”.
Trong tập hồi ký “Năm tháng không bao giờ quên” của 45 nữ tù chính trị bị thực dân Pháp giam tại Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1939 - 8/1945, do bà Hoàng Thị Minh Thảo một trong 45 nữ tù chấp bút, hình ảnh cây bàng xuất hiện thật đặc biệt đối với chị, em. Bàng không chỉ là nguồn dược liệu quý giúp anh, chị em phục hồi sức khỏe sau những cơn ốm nặng mà đôi khi lá bàng còn trở thành lá trầu giúp các chị, các mẹ “đỡ thèm” trong những ngày bị giam cầm trong nhà tù thực dân:
“Các chị nghiện trầu thuốc, được người nhà gửi trầu cau, vỏ vào, phải phơi khô để ăn dần. Có lúc thèm quá, các chị lấy lá bàng quệt vôi ăn với vỏ cho đỡ thèm (điều đó nghe vô lý mà đúng như vậy)”.
Phòng giam nữ tù chính trị - Nhà tù Hỏa Lò
Ngoài ra chị em còn dạy nhau những bài hát, bài thơ hay nhất là bài thơ sáng tác ở trong tù bên trại các anh chuyển sang. Thơ rất nhiều, chúng tôi chỉ còn nhớ được vài bài mà nội dung nhạc điệu đã thấm vào tâm hồn như: Đón gió xuân
Dưới gốc bàng vui đón gió xuân
Về đông an ủi khách phong trần
Đường xưa ngoảnh lại say lưu luyến
Bạn cũ trông vời nặng mến thân
Búp non điểm tươi cành cổ thụ
Ánh hồng viền thắm lớp phù vân
Lòng son dào dạt nguồn tin tưởng
Trở lại xa trường với cố nhân!...”.
Trong bài viết “Bàng ơi” in trong tập sách: “Kể chuyện Nhà tù Hỏa Lò” của đồng chí Lê Văn Ba tức Trần Khắc Cần, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò bị thực dân Pháp bắt, giam giai đoạn 1946 - 1954, viết:
Đồng chí Trần Khắc Cần, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò
giai đoạn 1946 - 1954
“Những cây bàng trong nhà tù Hỏa Lò còn góp phần không nhỏ lập bao chiến công âm thầm trong các cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Có gốc bàng là địa điểm hội ý chớp nhoáng, có gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật, là… “sân bay” của những chuyến “hàng” từ ngoài đường phố đáp vào. Cây bàng nhận nhiệm vụ vinh quang này nhiều lần nhất là cây bàng trong sân trại nữ, gần nhà để máy chém, gần tường giam (phố Thợ Nhuộm). Tất nhiên, đây là một công việc nguy hiểm, mỗi lần tiến hành là một cuộc chuẩn bị công phu chu đáo. Vậy mà đã có lần người bên ngoài ném qua tường giam vào cho anh em tù cả thư chúc tết, bánh, kẹo, thuốc lào… Tối hôm ấy, anh em liên hoan mừng xuân. Chỉ một số ít người biết và kín đáo gọi đây là bữa “tiệc tàu bay””. (Còn tiếp)
Trích dẫn: Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu Sưu tầm