Bài viết
27/08/2016 16:16 27/08/2016 16:16 1942
Đấu tranh đến giờ phút cuối (phần 1)
Phần 1: Náo nức ngày trở về
Chiến thắng vang dội của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã đánh bại hành động can thiệp, xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, buộc những kẻ xâm lược ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Genève bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Vấn đề trao đổi tù binh trong đó có tù nhân giam tại Nhà tù Hỏa Lò cũng là một vấn đề quan trọng được Chính phủ ta chủ động bàn với đại diện Chính phủ Pháp. 
Hai bên đã nhất trí mở hội nghị quân sự giữa đại diện của Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam do Thiếu tướng Văn Tiến Dũng làm Trưởng đoàn, Ðại tá Song Hào làm Phó Trưởng đoàn (nguyên là những cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò) và đại diện Bộ Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương do Đại tá Lennuyeux làm Trưởng đoàn. Địa điểm được chọn để họp Hội nghị Quân sự Việt Nam - Pháp là đồi thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã, huyện Ða Phúc, nằm giữa Phố Nỉ thuộc vùng tự do của ta và đồn Pháp ở Núi Ðôi, cách thị xã Thái Nguyên và cách Hà Nội đều khoảng hơn 30 km. 
 
Khai mạc Hội nghị Quân sự Trung Giã, ngày 04/7/1954
 
Hội nghị Quân sự Trung Giã diễn ra từ ngày 4/7/1954 đến ngày 27/7/1954, kết thúc công việc và chuyển thành Ủy ban Liên hợp Trung ương là cơ quan thi hành Hiệp định Genève.
Từ ngày 5 đến ngày 10/7/1954, hai bên đã có những thỏa thuận về vấn đề tù binh như: Trao trả cho nhau dần dần từng đợt những tù binh bị thương, bị ốm, trước hết là những người bị thương nặng và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho tù binh. Với nhiều điều khoản cụ thể như: chế độ ăn, chế độ đặc biệt, chỗ ở, vệ sinh chung và cá nhân, chế độ làm việc, cách đối xử, giải trí và đọc sách, báo, săn sóc tù binh bị ốm, cách gửi thuốc, gửi thư, bưu kiện cho tù binh.
 
Tuyên bố chung - Bế mạc Hội nghị Quân sự Trung Giã, tháng 7/1954
(Bản tiếng Việt và tiếng Pháp)
 
Những tin tức về Hội nghị Genève, Hội nghị Quân sự Trung Giã, thoả thuận trao trả tù binh được lan truyền nhanh chóng trong Nhà tù Hỏa Lò qua tài liệu của Thành ủy gửi vào cho chi bộ nhà tù, qua báo chí công khai hoặc tin tức do những người mới bị bắt, những anh em đi làm ở ngoài về kể lại. Tất cả tù nhân đều phấn khởi, náo nức chờ ngày được trao trả, được trở về gia đình và trở lại hoạt động cách mạng. (Còn tiếp)
 
Lại Thị Minh Thu, phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: