Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị thực dân Pháp giam vào Banh 2, trong khu vực cấm cố, chuyên giam tù chính trị bị liệt vào tội nặng nhất. Tại đây, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã gặp nhiều đồng chí cộng sản tiêu biểu như: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Khuất Duy Tiến... Ở địa ngục trần gian này, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí của mình đã tổ chức, tham gia vào nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc với tù chính trị và đòi cải thiện đời sống. Ngoài những giờ lao động khổ sai, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng với các đồng chí của mình học tập văn hoá, lý luận. Đồng chí cũng chịu khó học tiếng Pháp để có thể đọc trực tiếp, tham gia dịch một số tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và chép ra giấy gói thuốc lá để phổ biến rộng rãi cho anh em khác đọc. Chính ở nơi đây, những cuốn sách nổi tiếng của các lãnh tụ vô sản thế giới như: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Làm gì?, Những nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, Tư bản… và nhiều sách báo của Quốc tế Cộng sản, của Đảng Cộng sản Pháp đã được dịch ra tiếng Việt để phục vụ việc học tập.Một khu giam Nhà tù Côn Đảo
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã cùng với các đồng chí Đặng Việt Châu, Nguyễn Trọng Đàm chép lại bản “Luận cương chính trị” mà đồng chí đã thuộc lòng khi ở Nhà tù Hoả Lò để phục vụ việc học tập. Chính đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người chuyên trách giảng văn kiện quan trọng đó của Đảng cho một số lớp huấn luyện nghiên cứu tác phẩm này tại Nhà tù Côn Đảo. Năm 1936, do kết quả của phong trào đấu tranh của nhân dân ta, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và ảnh hưởng trực tiếp của cuộc đấu tranh của hơn 1000 tù nhân ở Côn Đảo. Ngày 29/9/1936, chính quyền thuộc địa Pháp phải trả lại quyền tự do cho hàng trăm chiến sĩ cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ, sau gần 6 năm bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hoả Lò, Côn Đảo.Sau khi thoát khỏi Nhà tù Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bắt liên lạc với Đảng và tiếp tục hoạt động cách mạngTháng 3/1937, tại Hà Nội, đã diễn ra một cuộc họp gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Tú Hưu, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hạ Bá Cang, Đinh Xuân Nhạ thành lập Xứ uỷ lâm thời. Hội nghị đã cử đồng chí Lương Khánh Thiện làm Bí thư Xứ uỷ lâm thời Bắc kỳ, kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội.Tháng 8/1937, Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ họp để chuẩn bị báo cáo và cử hai đồng chí Nguyễn Văn Cừ và Hoàng Quốc Việt dự Hội nghị mở rộng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hóc Môn - Gia Định. Hội nghị đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Sau Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trở về Hà Nội và trực tiếp chỉ đạo phong trào ở các tỉnh phía Bắc.Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội đến Sài Gòn dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại làng Tân Thới Nhất, gần Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định từ ngày 29 đến ngày 30/8/1938Ngày 30/8/1938, Hội nghị đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng bao gồm có 11 uỷ viên, trong đó có 9 uỷ viên trong nước và 2 uỷ viên hoạt động ở nước ngoài. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được tiếp tục cử vào Ban Thường vụ và được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, với cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.Dựa vào tình hình thực tế lúc đó, nhận thấy tình hình quốc tế đang có những chuyển biến bất lợi cho cách mạng Việt Nam và Đông Dương, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã sớm đặt vấn đề chuyển hướng chiến lược của ĐảngĐặc biệt, chỉ hai tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, đồng chí đã triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, trong đó xác định: Để tập trung mọi lực lượng của dân tộc vào chống đế quốc và ách thống trị của phát xít thuộc địa, Đảng sẽ tiến hành thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ không còn thích hợp nữa; phương pháp cách mạng cũng chuyển từ đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ sang đấu tranh trực tiếp đánh đổ chính quyền của đế quốc và tay sai; từ hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật và không hợp pháp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới khởi nghĩa vũ trang.Ngày 18/1/1940, trên đường từ nhà chị Hai Sóc ở làng Bà Điểm, nơi đồng chí Nguyễn Văn Cừ ở đến cơ quan Đảng ở đường Nguyễn Tấn Nghiêm (Sài Gòn), để bàn công tác với các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Hiếu (tức Giáo Hoan), do bị lộ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bị bắt cùng với hai đồng chí của mình. Toà án binh Sài Gòn lại buộc tội đồng chí Nguyễn Văn Cừ "có trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa" và kết án tử hình Nguyễn Văn Cừ. Ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Đông Dương đã bị thực dân Pháp đem đi xử bắn ở Ngã ba Giồng thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Hình ảnh hiên ngang ra pháp trường, những khẩu hiệu cách mạng mà đồng chí Nguyễn Văn Cừ hô vang trước lúc bị giặc Pháp xử bắn còn vang vọng mãi đến ngày hôm nay.Tổng hợp và biên soạn: Dương Thanh Hùng, phòng Nghiên cứu - Sưu tầm