Bài viết
17/10/2016 14:39 17/10/2016 14:39 6898
Thiếu nữ có đôi mắt thăm thẳm, mênh mang như nước mặt hồ (phần 1)
Vào năm 1931, khi ấy Võ Nguyên Giáp vừa tròn 20 tuổi. Trên tuyến xe lửa từ Hà Nội - Vinh - Huế, “anh Văn” đã gặp một thiếu nữ có đôi mắt “thăm thẳm, mênh mang như nước mặt hồ", người đó chính là nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị  Quang Thái, mối tình đầu thuở 20 trong sáng, lý tưởng của vị tướng huyền thoại, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.
 
 
                                               Ngôi nhà trước đây của gia đình Cụ Nguyễn Huy Bình, 
                               nay là khu tưởng niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (TP Vinh, Nghệ An)
                                                         Ảnh: H.H 
 
Bà Nguyễn Thị Quang Thái là con gái thứ của cụ Nguyễn Huy Bình (Còn gọi là cụ Hàn Bình) và cụ Đậu Thị Thư. Hai cụ sinh được 6 người con, trong đó có: Nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai, hy sinh trong Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1941. Cụ Nguyễn Huy Bình sau khi chứng kiến cảnh giặc Pháp sát hại con gái mình cũng ngã bệnh, mất năm 1942. Một người con trai là Nguyễn Huy Dương, tham gia rải truyền đơn cách mạng, bị địch bắt và hy sinh tại Hà Nội năm 1943. Người con gái thứ là Nguyễn Thị Quang Thái hy sinh trong Nhà tù Hỏa Lò năm 1944. Và người con rể là đồng chí Lê Hồng Phong, hy sinh tại Nhà tù Côn Đảo năm 1942. Một gia đình Đại cách mạng, với những con người rất Anh hùng!
Cuộc gặp gỡ giữa Nguyễn Thị Quang Thái và Võ Nguyên Giáp như một định mệnh. Trên chuyến xe lửa Hà Nội - Vinh - Huế, Nguyễn Thị Quang Thái đi từ Vinh vào Huế để nhập học ở trường nữ sinh Đồng Khánh, còn Võ Nguyên Giáp cũng trên đường vào Huế công tác. Cô gái với dáng vẻ dịu hiền, gương mặt trái xoan, nhưng đôi mắt cương nghị, thông minh đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người cán bộ cách mạng trẻ tuổi Võ Nguyên Giáp. "Mẹ Thái mặc áo dài, tóc để xõa, da trắng hồng, gương mặt rất sáng, đặc biệt là đôi mắt, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Ba. Ba khi ấy đóng vai một nhà báo khá ăn diện. Về sau Mẹ nói lại cho Ba ấn tượng đầu tiên của mình: Một chàng thư sinh với vẻ “công tử bột”, chỉ khi nghe tự giới thiệu là nhà báo thì Mẹ mới dịu lòng và bắt chuyện" (Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái duy nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái đã hình dung như thế về buổi gặp gỡ đầu tiên của Ba Mẹ mình qua lời kể của Cha). 
Lần gặp thứ hai giữa Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Thị Quang Thái là tại một ngôi nhà khuất nẻo trong thành nội Huế. Khi đó, Quang Thái đến xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng: "Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, âm ấm. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng. “Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. Anh Giáp thầm nghĩ. Võ Nguyên Giáp đã thầm yêu, thầm nhớ người còn gái ấy và ông mong sẽ có ngày gặp lại. (Sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" của Trung tướng Phạm Hồng Cư ghi lại).
 
 
Bà Nguyễn Thị Quang Thái
(ảnh tư liệu)
 
Nguyễn Thị Quang Thái vào học ở Trường nữ sinh Đồng Khánh, niên khóa 1929 - 1930, bà học giỏi tất cả các môn, luôn được xếp đầu lớp nhưng bà vốn giản dị và sống kín đáo. Bà tham gia sinh hoạt tại Hội Học sinh đỏ, nhiệm vụ của Quang Thái là phát triển “tổ nữ sinh đỏ”. Những năm 1930 - 1931, cao trào cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh lên cao đến đỉnh điểm, ảnh hưởng vào đến Huế. Học sinh các trường ở Huế tích cực tham gia phát truyền đơn, tổ chức quyên góp ủng hộ cách mạng… 
Trước các phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Huế, thực dân Pháp tiến hành đàn áp, bắt nhiều học sinh, trong đó có Nguyễn Thị Quang Thái, khi đó mới 16 tuổi, bà bị đưa về giam tại Nhà lao Thừa phủ - Huế. Cùng thời điểm ấy, đồng chí Võ Nguyên Giáp cũng bị địch bắt và cũng bị đưa về giam tại Nhà lao Thừa phủ. Một lần, khi đi ngang qua trại giam nữ, Võ Nguyên Giáp chợt giật mình khi nhìn thấy Quang Thái! Kể từ đây, hình ảnh người thiếu nữ Nguyễn Thị Quang Thái đã chính thức bước vào cuộc đời Võ Nguyên Giáp “…người con gái 16 tuổi gương mặt còn những nét ngây thơ nhưng tinh thần thì bất khuất” đã in đậm trong tâm trí chàng thanh niên tuổi đôi mươi.
 
 
Bà Nguyễn Thị Quang Thái khi mới bị địch bắt
 
Cũng trong thời gian bị giam tại Lao Thừa phủ, Nguyễn Thị Quang Thái đã nổi tiếng với câu nói: “Không ai tố giác bạn, bạn đừng tố giác ai!”. Đặc biệt, bà còn viết một bài thơ khiến Võ Nguyên Giáp càng cảm phục và yêu mến Quang Thái nhiều hơn, bài thơ ấy đã được lưu truyền khắp nhà lao:
Mười sáu xuân qua sống ở đời
Nhân tình nghĩ đến lệ đầy vơi
Trông phường đế quốc lòng ngao ngán
Thấy bạn cần lao dạ rối bời
Quyết chí hy sinh thây kệ chết
Đem lòng phấn đấu mặc đầu rơi
Ngọn cờ vô sản bao giờ phất
Chín suối hồn ta mỉm miệng cười.
                                                                                                                                 (Còn tiếp) 
 
Nguyễn Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn
 
 - Tài liệu tham khảo: Sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, Nxb Thanh niên, 2008.

Chia sẻ: