“... Trăm nghìn điều chưa nói. Những chuyện muốn nói với G trước khi G ra Hà Nội cũng chưa nói, viết chưa xong được... Mỗi lần đọc được lại thơ của G là Th lại phải nghĩ, phải áy náy, xốn xang lạ lùng...”.
Sau khi được thả, trong lần Võ Nguyên Giáp ra Vinh cùng người anh, người bạn Đặng Thai Mai, ông đã gặp lại Quang Thái. Tình cảm giữa hai người bắt đầu nảy nở. Thế nhưng, khi vừa yêu nhau, cả hai lại phải sống trong sự xa cách. Những cánh thư gửi cho nhau như là cầu nối nuôi dưỡng tình cảm giữa hai người. Lần Võ Nguyên Giáp lên tàu ra Hà Nội, trong một bức thư, bà Quang Thái bộc lộ sự nhớ mong và tình cảm chưa nói thành lời: “... trăm nghìn điều chưa nói. Những chuyện muốn nói với G trước khi G ra Hà Nội cũng chưa nói, viết chưa xong được... Mỗi lần đọc được lại thơ của G là Th lại phải nghĩ, phải áy náy, xốn xang lạ lùng...”.
Năm 1935, hai người kết hôn khi Quang Thái tròn 20 tuổi, Võ Nguyên Giáp khi đó bước sang tuổi 25. Lễ cưới của hai nhà cách mạng diễn ra ngày 28/9/1935 tại Thành phố Vinh. Sau đó gần 5 năm, ngày 04/01/1940, bà Quang Thái sinh hạ một bé gái và họ đặt tên cho cô con gái xinh đẹp của mình là Võ Hồng Anh. Như mọi cặp vợ chồng trẻ khác, cả hai đều rất hài lòng và hạnh phúc.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái
Cuối năm 1939, thực dân Pháp khủng bố mạnh. Lúc này, đồng chí Võ Nguyên Giáp phải rút vào hoạt động bí mật, đầu năm 1940, ông được cử sang Trung Quốc hoạt động. Vậy là hai người chỉ được sống gần nhau trong khoảng 5 năm. Trước sự phân vân, lo lắng vì hai vợ chồng không thể ở bên nhau khi con gái Hồng Anh còn quá nhỏ, bà Quang Thái động viên chồng: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà. Chờ con lớn thêm chút nữa em gửi con cho ông bà nuôi, em sẽ đi sau!”. Họ không ngờ rằng đó là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai vợ chồng.
Bà Nguyễn Thị Quang Thái và con gái Võ Hồng Anh
Năm 1942, bà Quang Thái bị bắt và bị kết án 16 năm tù, bị đưa ra giam giữ tại Nhà lao Hỏa Lò. Trong thời gian bị giam tại đây, bà được chị em tín nhiệm bầu vào Ban Lãnh đạo trại giam nữ, bà tham gia tổ chức các lớp học và dạy văn hóa, ngoại ngữ cho các nữ tù nhân. Cuối năm 1943, do điều kiện sống khắc nghiệt, tại Nhà lao Hỏa Lò xảy ra dịch sốt chấy rận (typhus). Với kiến thức y khoa bà học được trong thời gian ngắn ở Trường Bà đỡ Hà Nội, bà hết lòng chăm sóc các bệnh nhân, vì vậy đã kiệt sức và nhiễm bệnh thương hàn. Chị em trong Nhà lao Hỏa Lò đã đấu tranh đòi đưa bà đến nhà thương Robin (còn gọi là "Nhà thương làm phúc", nay là Bệnh viện Bạch Mai) để chữa trị. Nhưng bà đã linh cảm thấy mình khó qua khỏi, bà nhắn mẹ chồng đưa con gái ra Hà Nội để được gặp mặt con lần cuối. Tuy nhiên, nguyện vọng của bà đã không thành. Bà qua đời ngày 29/01/1944 tại nhà thương Robin.
Do điều kiện phải hoạt động bí mật nên mọi thông tin về việc bà Quang Thái bị bắt và đã hy sinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp không hề hay biết. Chỉ đến khi trở về nước để tham dự Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ, họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào tháng 4/1945, Võ Nguyên Giáp mới nhận được tin dữ. Khi nghe tin người vợ yêu thương đã không còn, người Đội trưởng Đội Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp bàng hoàng, ông lặng lẽ đi sang buồng bên, bỏ dở cuộc họp…
Tình yêu của hai nhà cách mạng nảy nở từ lòng cảm phục lẫn nhau, cùng chung một lý tưởng chiến đấu, cống hiến cho Tổ quốc. Mối tình của bà Quang Thái và tướng Giáp trở thành tình yêu lý tưởng trong thời chiến, bao lớp thanh niên đều lấy làm ngưỡng mộ và quyết noi theo.
Đặc biệt, cho đến nay điều để lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam những cảm xúc vô cùng mãnh liệt đó là cả hai mối tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đều là những câu chuyện tình cảm động, tiêu biểu cho những mối tình sâu đậm giữa tình yêu đất nước và tình cảm hạnh phúc lứa đôi trong suốt hơn một thế kỷ đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam (Tình yêu sau - sâu sắc, bình dị nối dài theo năm tháng tới cuối đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp là với Phó giáo sư Đặng Bích Hà - con gái cụ Đặng Thai Mai).
Nguyễn Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn
Tài liệu tham khảo:
- Sách:“Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”, Nxb Thanh niên, 2008.