Bài viết
31/01/2017 21:34 31/01/2017 21:34 2915
Thơ và câu đối Tết trong tù (phần 2)
Sức sống diệu kỳ của những người cộng sản 
Năm 1940, sau khi bị bắt và giam vào nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Trần Huy Liệu bị đưa lên nhà tù Sơn La. Đến Phương Lâm, anh em tù chính trị được đồng bào đón tiếp rất nồng hậu. Đồng chí Trần Huy Liệu xúc động đã làm mấy vần thơ: “Hữu tình thay! Cảnh Phương Lâm/ Gặp nhau vừa mới một lần đã quen/ Ô kìa! Cô gái sông Đen/ Non cao rừng thẳm con thuyền đợi ai?”. Bước vào mùa xuân, những ngày giáp Tết Nguyên đán, hoa đào nở rộ trên sườn đồi. Trần Huy Liệu nhớ những ngày ở báo Đời Nay (phố Hàng Lược), hàng năm vào những ngày Tết đến, người ta đem cành đào đến bán nhiều như một rừng đào. Nhớ, ông bồi hồi đọc: “Năm ngoái ngày này chốn cố đô/ Hoa đào đỏ ối bên sông Tô/ Với ta, hớn hở đào khoe sắc/ Ngang dọc rừng đào, ta tự do/ Năm nay nơi đất đỏ rừng xanh/ Không hẹn mà ta lại gặp mình/ Đào nhỉ! phải chăng ta khác trước?/ Còn đào thêm tuổi lại thêm xanh/ Thì thầm ta sẽ nhủ: đào ơi!/ Sương nắng bao phen chẳng lạt mùi/ Giữa chốn bụi hồng tuy lận đận/ Lòng đào ta vẫn đỏ không phai” (Hỏi đào-Trần Huy Liệu). 
 
Đồng chí Trần Huy Liệu thời kỳ bị thực dân Pháp bắt, giam
 
Ở nhà tù Sơn La, những ngày xuân về, Tết đến, đồng chí cùng với các đồng chí ở ban Tuyên huấn lãnh trách nhiệm huấn luyện chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho các bạn tù nhân. Vào dịp Tết năm ấy, Trần Huy Liệu đã cùng với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy họp bàn tổ chức Tết trong nhà tù Sơn La và phân công người làm báo “Suối reo”. Người viết bài, người trình bày, viết kịch bản, làm câu đối... Không khí nhà tù bỗng rộn ràng hẳn lên để đón mừng năm mới trong niềm lạc quan, tin tưởng, ấm cúng. Những người tù chính trị cắt tóc cho nhau, cùng nhau trang hoàng phòng họp. Sáng mồng một Tết, các chiến sĩ vừa đón Xuân vừa kể chuyện, vừa bình phẩm đôi câu đối dán trước cửa trại chính, có nội dung: “Hẹn với non sông đưa mới lại/ Mở toang cửa ngục đón xuân vào”. Một câu đối treo ở nhà ăn, rất chỉnh: “Xuân hồng thu một khoảnh/ Tình thắm gửi năm châu”. Sau khi xem vở kịch tự biên tự diễn của các bạn tù có tiêu đề: “Bên đường dừng bước”, đồng chí Trần Huy Liệu có một bài thơ “Vịnh Tết” đăng ở báo “Suối reo”. Bài “Vịnh Tết” như sau: “Cái Tết năm nay lại Tết tù/ Tiệc tùng hát xướng tết lu bù/ Nhị tuồng réo rắt mê Sao Đỏ (1)/ Cửa ngục hằm hè mặc Cút-xô (2)/ Õng ẹo Bầu Long đầm đít vịt/ Thẹn thò Xuân Thủy ả đầu Thu/ Cẳng giò Ba Phúc tha hồ chén/ Rượu lá Chiềng Lề mặc sức tu/ Góp Tết riêng ta vô tích sự/ Rửa nồi thêm nhớ mẹ thằng cu”. Ngoài bài “Vịnh Tết”, Trần Huy Liệu còn có nhiều bài “thơ xuân” khác phản ánh thực trạng những ngày Tết ở nhà tù Sơn La, trong đó có bài “Tết Âm lịch 1940”. Bài thơ như sau: “Côn Đảo, Sài thành mấy Tết qua/ Tết này ăn Tết ở Sơn La/Dạ dày điểm tí mùi cơm tẻ/ Mặt bủng tô thêm chén rượu khà/ Chơi Tết với bao thằng mất Tết/ Chung nhà tinh những đứa xa nhà/ Chúc mừng năm mới: Năm mau hết/ Có đái thì đừng đái máu ra”. Lời chúc năm mới làm ta xót xa bởi cảnh tù đày quá khắc nghiệt. Mong chờ của người tù là năm mau hết, bởi ngoài kia phong trào cách mạng đang lên, mà những người tù cộng sản lại phải chôn chân ở chốn rừng thiêng, nước độc này. Độc đến nỗi cứ người nào phải vào chốn này y như người đó bị mắc phải căn bệnh sốt rét. Lời chúc đầu năm của họ là lời chúc “đừng đái máu ra” - bởi người nào bị sốt rét đến độ cao thì thường đi đái ra máu, nếu không cầm được có thể chết rất nhanh...
 
Một góc nhà tù Sơn La
 
Tết Tân Tỵ (1941) lại đến. Từ biên giới Việt-Trung, Bác Hồ về Cao Bằng. Ít lâu sau Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5-1941). Sau hội nghị là việc thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất lấy tên là Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (gọi tắt là Việt Minh). Tin vui này chưa đến với các chiến sĩ ở nhà tù Sơn La, thế nhưng như hiểu được có một luồng không khí mới đang tràn về, nên không khí Tết ở nhà tù Sơn La tràn đầy một niềm lạc quan, tươi vui. Những câu đối Tết ở nhà tù lúc này đã phản ánh được sự đoàn kết, vui vẻ và tin tưởng đó. Hay nhất là câu đối: “Tối ba mươi nợ cũ phong trần, song sắt nhìn soi trang lịch sử/ Sáng mồng một mở màn xã hội, lửa lòng chói lọi pháo duy tân”. Cuối năm 1941, thực dân Pháp và phát xít Nhật câu kết truy lùng những người cộng sản đang hoạt động bí mật, bắt đày lên Sơn La, trong đó có đồng chí Đào Duy Dếnh (Đào Phan) bí thư thành ủy Hà Nội. Lúc còn hoạt động ở cơ sở, đồng chí được nghe đồng chí Hoàng Văn Thụ phổ biến Nghị quyết VIII, và 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh, đồng thời bí mật thông báo cho biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã về nước. Tin vui này đã được đồng chí Dếnh cho vài người tù ở Sơn La biết. Thế rồi, Tết Nhâm Ngọ (1942) vừa đến. Một đôi câu đối to rộng nền đỏ, chữ đẹp được trình bày trước cổng chính nhà giam. Đôi câu đối đã thể hiện được không khí ở nhà tù khi những người tù cộng sản nhận được nhiều tin vui mới; đồng thời tỏ ý tin tưởng rằng, sắp tới sẽ có một biến động đầy sức xuân mới trong khí thế sục sôi của phong trào cách mạng. Đôi câu đối như sau: “Khói lửa dập tàn, ngày mới đậm đà hương vị mới/ Máu tim sôi sục, xuân chung tô điểm nước non chung”.
Sang Tết Quí Mùi (1943), không khí cách mạng sục sôi ở bên ngoài đã dội vào các “banh” trong nhà tù. Nghị quyết VIII cũng như 10 chính sách Việt Minh đã có chủ trương cho phổ biến. Tết này, các chính trị phạm tổ chức khá rôm rả: Thi làm câu đối dán ở bếp, dán ở ngục thất, tổ chức đấu cờ tướng, tổ tôm điếm v.v... Câu đối dán ở bếp của ông Mậu Chi (tức Vũ Viết Mậu) được giải nhất: “Khói lửa cũng cá mềm, vững bền dạ sắt lòng son, sang năm mới có nhiều canh cải/ Bắc Nam cùng mắm sốt, khăng khít da vàng máu đỏ, đón xuân rồi còn lắm ninh xương”. Cái hay của câu đối này là không thể dán ở đâu ngoài cửa nhà bếp, mà phải là bếp của nhà tù. Cái hay của câu đối không chỉ là ở sự đối nhau, mà câu đối có cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vừa dùng tiếng phổ thông “lồng ghép” vào tiếng Pháp, vừa dùng tiếng Việt gốc Hàn để chuyển nghĩa... Có thể nói Tết này, mọi chỗ vui chơi giải trí: bàn cờ tướng, hội tổ tôm điếm, các cửa “banh”, nhà ăn, cổng trại giam, đâu đâu cũng có câu đối. Nhưng có một chỗ ít ai nghĩ đến, đó là nhà vệ sinh. Không biết ai đã có “sáng kiến” bí mật làm câu đối hồi đêm. Sáng dậy, anh em đi cầu đọc được, đọc lên ai nấy đều chịu tài, bái phục sát đất bởi tác giả dùng chữ rất chỉnh và rất hóm hỉnh. Chuyện sinh lý tiêu hóa mà lại bao hàm ý nghĩa khát khao giải phóng của quần chúng cách mạng. Câu đối như sau: “Nợ cũ tương đi, quần chúng đợi chờ cờ giải phóng/ Bầu Xuân ôm nhẹ, can trường tiêu tán nỗi đau thương”... Không khí cách mạng đó đã thôi thúc các chiến sĩ cách mạng ở đây tìm cách tổ chức vượt ngục. Và đó chính là những nhân tố không thể thiếu trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945.
Nguyễn Thị Ý

Chia sẻ: