Hiện nay, trong hệ thống trưng bày thường xuyên tại di tích có nội dung trưng bày về “Chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò và những hoạt động “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Đây là chủ đề thu hút được sự chú ý của du khách trong và ngoài nước.
Tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1930-1931, số lượng các chiến sỹ cộng sản bị bắt giam tăng cao, trong đó nhiều đồng chí đã từng giữ vai trò lãnh đạo trong các chi bộ Đảng bên ngoài. Khi bị bắt giam, phải sống trong cảnh tù đày nghiệt ngã, hàng ngày đối mặt với kẻ thù tàn bạo và xảo quyệt, nên các chiến sỹ cộng sản đã nghĩ đến việc thành lập chi bộ Đảng để lãnh đạo tù nhân đấu chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Cuối năm 1931 đầu năm 1932, chi bộ Đảng ở nhà tù Hoả Lò thành lập, đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) được cử làm Bí thư chi bộ.
Đồng chí Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt) - Bí thư chi bộ Đảng
đầu tiên tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1931
Ngay từ khi thành lập, chi bộ Đảng nhà tù Hoả Lò đã xác định nhiệm vụ chủ yếu là: Lãnh đạo đấu tranh trong tù; giáo dục, bồi dưỡng lý luận cho tù nhân; tuyên truyền giác ngộ binh lính và giám thị; liên hệ với tổ chức Đảng bên ngoài để tổ chức đấu tranh giành quyền sống… Hoạt động của chi bộ diễn ra trong điều kiện bí mật, đồng chí nào gia nhập chi bộ rồi mới biết và chỉ biết trong phạm vi tổ Đảng. Để giữ bí mật, tên chi bộ (1932) gọi là "Tổ chức bên trong", sang năm 1933 gọi là CH.MI.
Đề án thảo luận của Chi bộ Đảng trong Nhà tù Hỏa Lò, năm 1933
(Mật thám Pháp thu giữ, dịch sang tiếng Pháp)
Nhằm tạo nên một lực lượng đủ mạnh để đấu tranh chống lại chế độ nhà tù thực dân, chi bộ Đảng đã chủ trương vận động thành lập các tổ chức quần chúng như: Lao tù hội, Đoàn thanh niên cộng sản, Phụ nữ liên hiệp hội. Để tạo nên khối đoàn kết, thống nhất trong toàn thể tù nhân, chi bộ đã chủ trương ra báo "Đời tù" và "Lao tù tạp chí” nhằm mục đích giáo dục, nâng cao trình độ, tư tưởng chính trị và ý thức tổ chức kỷ luật cho đảng viên; trao đổi kinh nghiệm và phương pháp vận động quần chúng. Phong trào học tập văn hóa, ngoại ngữ, chính trị trong các trại giam ngày càng phát triển do các đảng viên cốt cán giữ vai trò là các giáo viên giảng dậy. Sinh hoạt văn hóa, tinh thần của tù nhân trở nên sôi nổi với các hình thức sinh hoạt phong phú như: đàn hát, làm thơ, diễn kịch…
Tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò diễn kịch “Táo quân với Ngọc Hoàng” năm 1952
Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các cuộc đấu tranh của tù chính trị chống lại chế độ giam cầm hà khắc được thực hiện bài bản và đã thu được kết quả, cải thiện cuộc sống cho tù nhân. Nhiều cuộc vượt ngục thành công của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã cung cấp một lực lượng lớn cán bộ lãnh đạo cho phong trào cách mạng bên ngoài như: cuộc vượt ngục của 7 tù chính trị tại Nhà thương Phủ Doãn tháng 12/1932; cuộc vượt ngục bằng đường cống ngầm trước sân trại J tháng 3/1945 hay cuộc vượt ngục vào đêm 24/12/1951 của 16 tù chính trị khu xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò…
Cửa cống ngầm trước sân trại giam J - Nơi hơn 100 tù chính trị Hỏa Lò
vượt ngục, tháng 3/1945
Có thể khẳng định, thành quả đấu tranh của tù chính trị trong nhà tù Hỏa Lò không thể tách rời sự chỉ đạo của chi bộ Đảng. Kinh nghiệm sống và lãnh đạo đấu tranh của đội ngũ đảng viên tiên phong trong nhà tù Hỏa Lò mãi được tôn vinh và là gương sáng để các thế hệ đảng viên trẻ học tập và noi theo trên con đường đi lên xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp.
Đào Thị Huệ - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm