Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong mang số tù 9983, bị thực dân Pháp giam ở nhiều nơi, lúc ở banh II, khi ở phòng giam số 19, khi lại ở xà lim số 5 là khu biệt giam dành cho các chính trị phạm. Hằng ngày, đồng chí phải làm những công việc khuân vác nặng nhọc trong cái đói quay quắt ở Sở Tải, Sở Muối.
Những năm tháng ở ngục tù quả thực là thời gian thử thách khắc nghiệt. Đồng chí Lê Hồng Phong vừa phải chiến đấu với bệnh tật, vừa phải cùng đồng chí kiên trì chống lại những âm mưu thâm độc của kẻ địch. Những kinh nghiệm và lý luận được học trước đây càng giúp đồng chí tôi luyện thêm bản lĩnh, bền chí đấu tranh với quân thù.
Phòng 19, banh II, Nhà Côn Đảo - nơi thực dân Pháp giam
đồng chí Lê Hồng Phong
Thất bại trong việc tìm cách kết án tử hình Lê Hồng Phong ở Sài Gòn, thực dân Pháp ở Nam Kỳ đã chỉ thị cho bọn tay chân ở Côn Đảo thực hiện âm mưu hãm hại đồng chí. Chúng ngang nhiên nhốt đồng chí vào xà lim cấm cố và tra tấn hết sức dã man cùng với việc áp dụng một chế độ lao động hà khắc đối với người tù Lê Hồng Phong. Những trận mưa roi cũng cứ thế mà liên tiếp trút xuống thân thể đồng chí, bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, kể cả khi đang làm việc, đang tắm hay cả trong bữa ăn.
Tù nhân nhà tù Côn Đảo lao động khổ sai (làm rẫy ở Côn Đảo)
Trong tâm trí những người bạn tù của đồng chí Lê Hồng Phong vẫn còn nhớ mãi: “Sau một ngày khổ sai mệt nhọc, dưới trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, chỗ tím bầm, chỗ sưng húp lên, có chỗ còn loét ra, ri rỉ máu”.
Năm 1941, qua một lính gác người Ấn Độ, đồng chí Lê Hồng Phong biết người bạn đời là Nguyễn Thị Minh Khai đã hy sinh anh dũng cùng với những người đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu… Nén lại những đau thương trong lòng, hằng ngày, đồng chí luôn động viên các bạn tù, dù bị giam cũng không nên tuyệt vọng, không nên liều lĩnh chết trước mặt kẻ thù một cách vô ích. Trong hoàn cảnh tù đày, phải khôn khéo đấu tranh để bảo toàn lực lượng để sau này cống hiến cho Đảng, cho cách mạng.
Một hình thức tra tấn tù chính trị Côn Đảo của thực dân Pháp
Chế độ ăn uống cực khổ cộng với chế độ giam cầm hà khắc làm cho sức khỏe của đồng chí Lê Hồng Phong giảm sút nghiêm trọng. Thân hình đồng chí gầy rộc đi, chân tay bị teo lại. Để nhanh chóng giết hại đồng chí, tên chúa đảo Bờruionnê ra lệnh giam riêng đồng chí vào xà lim số 5, banh II và đánh đập tàn nhẫn. Xà lim số 5 chỉ có chiều dài 2m, được xây kiên cố với bệ nằm làm bằng xi măng, phía trên có lắp cùm. Ngoài ra, đồng chí Lê Hồng Phong phải chịu một hình phạt nữa là một tháng phải ăn 10 ngày cơm nhạt bằng một thứ gạo ẩm mốc và thức ăn là cá khô mục.
Xà lim số 5, banh II, Nhà tù Côn Đảo - nơi thực dân Pháp
biệt giam đồng chí Lê Hồng Phong
Đồng chí Lê Hồng Phong đã bị bệnh kiết lỵ nặng nhưng tên chúa đảo ra lệnh không phát thuốc điều trị, không cho thầy thuốc vào thăm khám. Anh em tù chính trị tìm cách gửi thuốc vào cho đồng chí nhưng bị bọn cai ngục ngăn cấm, tịch thu. Thầy thuốc người Pháp là Rasa cũng tỏ thái độ phản đối liền bị tên chúa đảo đưa đi nơi khác.
Biết mình chẳng thể sống lâu, đồng chí Lê Hồng Phong đã gửi những lời nhắn nhủ cuối cùng về gia đình qua bức điện cho người anh trai là ông Lê Văn Soạn (tức Hương Chắt): “Xin anh em bà con miễn trách, đã hơn năm nay tôi không viết thư, chắc rằng anh chị Hương và ông bà, con cháu đều mạnh, con cháu lớn rồi nên gả nó đi cho có đôi”.
Sức khỏe suy kiệt dần dần…, đồng chí Lê Hồng Phong đã mãi mãi ra đi vào trưa ngày 6/9/1942 tại xà lim số 5, banh II, Nhà tù Côn Đảo. Trước lúc đi xa, đồng chí còn căn dặn các đồng chí ở lại: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Ý chí kiên cường, sự lạc quan đến giây phút cuối cùng của đồng chí là nguồn động viên mạnh mẽ các bạn tù giữ vững quyết tâm, vượt lên mọi thử thách nơi ngục tù.
Những hình ảnh, tài liệu về đồng chí Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai
tại trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa” (khai mạc ngày 4/7/2017 tại di tích Nhà tù Hỏa Lò)
"Cuộc đời đồng chí Lê Hồng Phong trong như giọt sương mai, đẹp như ánh dương buổi sớm. Tấm gương chiến đấu kiên cường và sự hy sinh lẫm liệt của đồng chí Lê Hồng Phong vì độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam chúng ta" (Trích diễn văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại lễ mít tinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Hồng Phong tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, ngày 6/9/ 2012).
Nguyễn Thị Sâm tổng hợp và biên soạn
Nguồn:
- Lê Hồng Phong - Tiếu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007.
- Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.