Phần 3: Nên duyên nhờ “mai mối” của Trưởng ban Tổ chức Trung ương
Trung tướng Lê Hiến Mai, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên giám đốc Học viện chính trị Quân sự, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội luôn được nhớ đến với 3 điều đặc biệt trong cuộc đời đó là: Người viết cuốn lược sử Đảng cộng sản Đông Dương trong tù; người vinh dự được Bác Hồ đặt tên và cũng là người được đồng chí Lê Đức Thọ - Nguyên trưởng ban Tổ chức trung ương làm mai mối.
Trong ngôi nhà số 30, phố Lý Nam Đế, nơi phu nhân đồng chí Lê Hiến Mai đang sống cùng với các con, chúng tôi nhận thấy sự ấm áp, yêu thương khi được nghe bà kể về người chồng của mình, Trung tướng Lê Hiến Mai.
Tháng 8/1948, khi đang làm chính trị viên Chiến khu 2, đồng chí được lệnh vào Nam công tác. Sau khi Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh, đồng chí được giao tiếp tục nhiệm vụ của tướng Nguyễn Bình. Trong quá trình hoạt động ở Nam Bộ, đồng chí có dịp sống và làm việc với các đồng chí: Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Thọ.
Đồng chí Lê Đức Thọ người kết nối tơ duyên cho đồng chí Lê Hiến Mai và bà Ngô Duy Liên
Thời ấy bà Ngô Duy Liên là cán bộ phụ nữ, làm công tác tuyên truyền, vận động ở tỉnh Bạc Liêu. Mỗi khi đi công tác xuống địa phương, tướng Mai thường ghé qua nhà bà Liên thăm gia đình. Được mấy bận, một hôm đồng chí Sáu Thọ (Lê Đức Thọ), người rất thân với bà Liên, coi bà như cô em gái trong nhà, đã gợi ý bà “tìm hiểu” đồng chí Lê Hiến Mai, đồng chí Lê Đức Thọ còn nói: “Thằng Mai được lắm, hoàn cảnh của nó tội nghiệp, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, kể từ ngày vào Nam bặt tin gia đình”. Rồi bà Bảy Huệ (vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh), chị gái bà Ngô Duy Liên cũng nói thêm vào. Kể từ đó, bà Ngô Duy Liên có tình cảm đặc biệt với đồng chí Lê Hiến Mai, chính tuổi thơ dữ dội của đồng chí đã khiến bà càng thêm yêu quý và cảm phục người đàn ông mà sau đó bà đã lựa chọn làm chồng.
Một thời gian sau, tướng Mai và bà Liên làm đám cưới. Bà Ngô Duy Liên nhớ lại: “Hôm đó ở Trăng Bằng Cán Gáp (còn có tên là Biển Bạch), thuộc huyện Thái Bình, tỉnh Bạc Liêu, toàn miền Tây mở hội nghị tuyên truyền về chiến thắng Điện Biên Phủ. Sau hội nghị, đồng chí Lê Đức Thọ tuyên bố lễ cưới. Đám cưới của chúng tôi khi đó “to lắm, vui lắm”. Anh em giết một con trâu to làm cỗ. Đồng chí Lê Đức Thọ làm chủ hôn nhà trai, đồng chí Ung Văn Khiêm - Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu làm chủ hôn nhà gái. Anh em ở nhà tù Côn Đảo tặng chúng tôi một đôi gối cưới, có thêu đôi vịt và hoa sen màu xanh nước biển rất đẹp, do chính anh chị em thêu trong tù gửi về tặng”.
Nói xong, nhìn ánh mắt vẫn còn lấp lánh, miệng bà nở nụ cười hiền hậu, có lẽ trong bà lúc này, cái cảm giác thiêng liêng ấy vẫn còn nguyên vẹn. Khi bà nói đám cưới “to lắm, vui lắm” thì chúng tôi hiểu rằng, cái “to” ở đây là tình cảm anh em, đồng chí đã giành cho ông bà giữa những bộn bề khó khăn của chiến tranh.
Bà Ngô Duy Liên biết rõ hoàn cảnh nhưng vẫn đến với đồng chí Lê Hiến Mai bằng tất cả sự yêu quý và kính trọng. Ông bà sống với nhau hạnh phúc tròn 44 năm thì ông từ biệt cõi trần.
Bà Ngô Duy Liên (ngồi) chụp ảnh cùng các con
Đã 22 năm trôi qua, ông không còn ở bên bà nhưng trong trái tim của người vợ thủy chung ấy luôn có hình bóng của ông, người chồng mà bà rất mực yêu quý. Đến thăm bà Ngô Duy Liên lần nào, chúng tôi cũng cảm nhận được tình cảm vợ chồng của bà và trung tướng Lê Hiến Mai không hề nhạt phai.
Những kỷ vật của đồng chí Lê Hiến Mai để lại luôn được bà Liên trân trọng, gìn giữ. Chúng tôi đặc biệt ấn tượng về cuốn sổ ảnh được chính đôi bàn tay khéo léo của Trung tướng khâu và cẩn thận dán từng tấm ảnh kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Nhìn cuốn sổ ảnh, Bà Ngô Duy Liên lại rơm rớm nước mắt “Tôi chỉ còn giữ được ít kỷ vật của anh, cuốn sổ này tôi sẽ lưu lại để cho con cháu tôi tự hào về người cha, người ông của mình”.
Bà Ngô Duy Liên (Hàng ngồi, thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các con cháu
Hiện nay, bà Ngô Duy Liên đang sống cùng với các con tại số 30, phố Lý Nam Đế. Đã gần 90 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng nhưng bà vẫn giữ được nét đẹp của một người phụ nữ Việt Nam truyền thống, giọng nói nhỏ nhẹ, nét mặt phúc hậu khiến mỗi lần thăm bà chúng tôi luôn cảm nhận được sự ấm áp nơi bà.
Tổng hợp và biên soạn: Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm