Phần 1: Con trai gia đình quyền quý
Mặc dù cha và anh là Chánh tổng Thái Phú, thường hay đàn áp lớp người bần nông, nhưng Phạm Quang Thẩm khác hẳn. Ông thường bênh vực người nghèo, xin cha và anh không đánh đập và bắt sưu thuế dân cày. Ông cũng hay chơi và chia sẻ đồ ăn với đám trẻ chăn trâu trong làng, mặc cho gia đình ngăn cấm và đôi lần bị đòn roi…
Phạm Quang Thẩm sinh năm 1905 ở làng Tân Chi Phong, xã Hồng Phong (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), trong một gia đình quyền quý thời phong kiến. Từ nhỏ, cậu bé Thẩm đã gần gũi và chia sẻ với những khổ cực của lớp dân cày. Mặc dù cha và anh là Chánh tổng Thái Phú, thường hay đàn áp lớp người bần nông, nhưng Phạm Quang Thẩm khác hẳn. Ông thường bênh vực người nghèo, xin cha và anh không đánh đập và bắt sưu thuế dân cày. Ông cũng hay chơi và chia sẻ đồ ăn với đám trẻ chăn trâu trong làng, mặc cho gia đình ngăn cấm và đôi lần bị đòn roi, Phạm Quang Thẩm luôn tỏ ra là một người khỏe mạnh, thông minh, sáng dạ, nhiều tài, học rất giỏi và có tư tưởng tiến bộ, tính tình khí khái, ngang ngạnh và rất quyết đoán.
Ông Phạm Quang Thẩm (1905 - 1945)
Năm 1923, ông rời quê lên Hà Nội học trường tư thục Min - xanh. Học được 2 năm thì phải nghỉ về quê chịu tang mẹ, rồi sau đó bỏ học luôn. Sau đó, ông theo học Trường Canh nông ở Tuyên Quang, rồi cũng lại bỏ học giữa chừng vì không muốn làm tay sai cho thực dân Pháp.
Do gia đình thúc ép, ông theo học trường Sư phạm ở Nam Định. Tại đây, ông đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Ông cũng là người tích cực tham gia viết báo tường để nói lên chí khí của những thanh niên trong cảnh nước mất nhà tan. Trong lễ truy điệu cụ Phan Bội Châu, ông đã tuyên truyền tư tưởng của cụ Phan và tinh thần yêu nước trong giới học sinh, sinh viên. Chính từ những hoạt động này, giữa năm 1928, ông được giác ngộ và kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng.
Đầu năm 1929, Phạm Quang Thẩm về quê để gây dựng cơ sở tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Ông lấy nhà của mình làm cơ sở in ấn truyền đơn, rồi chuyển cho một số anh em tin cậy hàng đêm đi rải khắp làng trên, xóm dưới. Mọi thông tin, đường lối, chủ trương tuyên truyền, ông trực tiếp liên lạc với đồng chí Đặng Xuân Khu (tức đồng chí Trường Chinh) tại hiệu sách Hội Ký, Thành phố Nam Định.
Trung tuần tháng 7/1929, Chi bộ Thư Vũ (tiền thân của Đảng bộ Vũ Thư ngày nay) được thành lập. Nhận thấy Phạm Quang Thẩm có lý tưởng trong sáng và chí khí cách mạng, tháng 9/1929, ông được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng. Vừa làm thầy giáo làng, ông vừa tích cực tuyên truyền đường lối đấu tranh cách mạng tới các tầng lớp nhân dân lao động.
Nhận thấy sức ảnh hưởng của Phạm Quang Thẩm đối với quần chúng nhân dân bất lợi cho bọn thực dân, phong kiến, tháng 3/1930, nhà bảo hộ Pháp có lệnh phân bổ ông đi làm giáo học ở làng Trung Trữ, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ông đã đệ đơn từ chối, nhưng do tổ chức gợi ý nên ông quyết định đi để dạy học và xây dựng cơ sở cách mạng mới.
Hang Miếu Nội (núi chùa Trung Trữ),
nơi thành lập Chi bộ Cộng sản thôn Trung Trữ (Tháng 01/1931)
(còn tiếp)
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn