Trong không khí cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2017) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2017), tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Chi bộ Khối Kỹ thuật và Chi bộ Khối Kinh tế - Tài chính thuộc Trung tâm Internet Việt Nam, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa, tháng 8/2017, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ giúp đảng viên có nhận thức sâu sắc hơn về các giá trị to lớn của lịch sử dân tộc, sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Lễ báo công và dâng hương tại Đài Tưởng niệm
Trung tâm Internet Việt Nam là một đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Với sự lãnh đạo của Đảng bộ, trong những vừa năm qua Trung tâm đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, trong đó Chi bộ Khối Kỹ thuật và Khối Kinh tế - Tài chính nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Với mong muốn tạo thêm động lực, hứng khởi cho các Đảng viên, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Chi bộ Khối Kỹ thuật và Khối Kinh tế - Tài chính đã phối hợp với Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Lễ báo công, dâng hương, tham quan và giao lưu với các nhân chứng lịch sử là cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.
Bác Dương Tự Minh kể về Liệt sỹ Phạm Hướng
tại Trưng bày chuyên đề “Thép nơi ngục lửa”
Bác Dương Tự Minh, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, giai đoạn 1946-1954, sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội đi theo cách mạng. Cụ thân sinh của bác là nhà nghiên cứu Văn học sử, giáo sư - liệt sĩ Dương Quảng Hàm. Kế thừa truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình, ngay từ khi còn là học sinh trường Chu Văn An, bác đã tham gia Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội với những hoạt động sôi nổi như: rải truyền đơn, tổ chức bãi khóa phản đối thực dân Pháp bắt bớ học sinh, tổ chức lễ truy điệu học sinh Trần Văn Ơn bị kẻ địch giết chết trên đường phố Sài Gòn (ngày 20/01/1950)…
Giữa năm 1950, bác bị thực dân Pháp bắt, giam ở Sở Mật thám Hà Nội. gần một tháng. Đến tháng 12/1952, bác bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai. Sau hai tháng giam cầm, tra tấn tại Sở Mật thám Hà Nội, chúng chuyển bác sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò, khi mới 17 tuổi. Bác Dương Tự Minh đã chia sẻ những hoạt động sôi nổi của thế hệ học sinh sinh viên kháng chiến Hà Nội một thời và những tấm gương sáng trong nhà lao Hỏa Lò như đồng chí Phạm Hướng, Lê Tám, Đỗ Hồng Phấn...
Giao lưu với nhân chứng lịch sử
Buổi giao lưu chứa đầy cảm xúc với phần chia sẻ của bác Hoàng Quân Tạo, nguyên Giám đốc Đoàn kịch nói Hà Nội (nay là Nhà hát kịch Hà Nội), cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, người giao liên năm xưa tham gia chiến đấu 60 ngày đêm quyết tử bảo vệ Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Nội, cha mất khi mới 2 tuổi, mẹ đi bước nữa khi được 5 tuổi, phải về ở với bà ngoại trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn nên bác sớm phải sống bươn chải bằng các nghề bán báo, đánh giầy. Ngay từ năm 12 tuổi, bác đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ thu thập đạn về cho đội du kích Hồng Hà.
Bí thư chi bộ Khối Kỹ thuật và Khối Kinh tế - Tài chính
tặng quà lưu niệm các nhân chứng
Tháng 11/1952, bác bị thực dân Pháp bắt trong khi đang chuyển tài liệu của Đảng đến các cơ sở cách mạng, bị chúng dùng nhiều cực hình tra tấn nhưng với bản chất kiên cường, tinh thần tiến công của người cách mạng bác không hề khai báo về tổ chức và những người cùng hoạt động với mình. Trong thời gian bị giam tại nhà tù Hoả Lò, bác đã cùng anh em tù chính trị đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc, cùng nhau tổ chức các lớp học văn hoá, chính trị nhằm trau dồi đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ lý luận tiếp tục hoạt động cách mạng khi có thời cơ. Những đau thương, mất mát về tinh thần và thể chất của người chiến sỹ cộng sản khi bị giam cầm trong các nhà tù thực dân, đế quốc được bác chia sẻ đã lấy đi những giọt nước mắt của các đồng chí đảng viên và quần chúng ưu tú tham dự chương trình.
Đồng chí Đào Thị Huệ, Phó Trưởng ban Quản lý Di tích
Nhà tù Hỏa Lò tặng quà lưu niệm cho đại diện hai chi bộ
Đồng chí Nguyễn Hồng Thắng, Bí thư Chi bộ Khối Kỹ thuật tặng quà
Đại diện Ban Quản lý Di tích Nhà Tù Hỏa Lò
Không gian như lắng đọng lại trong phần giao lưu giữa hai nhân chứng với các đảng viên của Chi bộ Khối Kỹ thuật và Khối Kinh tế - Tài chính thuộc Trung tâm Internet Việt Nam và những chia sẻ của đồng chí Lê Nam Trung, Phó bí thư Đảng ủy Trung tâm Internet Việt Nam, đại diện cho các đồng chí đảng viên của hai chi bộ: “Những câu chuyện lịch sử của các bác ngày hôm nay sẽ trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh cho chúng cháu, giúp chúng cháu không ngừng rèn luyện và phấn đấu hơn nữa để xứng đáng với công ơn của lớp người đi trước đã hy sinh để bảo vệ đất nước”.
Một số hình ảnh của chương trình:
Lại Thị Minh Thu, Phòng Giáo dục - Truyền thông
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn, Phòng Giáo dục - Truyền thông