Tin tức– Sự kiện
11/12/2017 16:27 11/12/2017 16:27 4509
Rơm Việt Nam và bom Mỹ
Trong những năm chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ, những sợi rơm vàng trở thành những vật dụng hữu ích cho con người: lợp mái nhà, bện mũ rơm, làm nùn rơm tránh bom… Sợi rơm vàng đã đi vào nhiều bài thơ, câu hát trong những năm tháng đó:
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm khẩu súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông...
                                                                                           Trích bài thơ: Hạt gạo làng ta - Trần Đăng Khoa
 
 
Chiến sỹ tự vệ Hà Nội bện nùn rơm để tránh bom bi
 
  
Thầy cô và học sinh trường Đại Kim, huyện Thanh Trì, Hà Nội
đội mũ rơm, đào hào giao thông
 
  
Học sinh Trường cấp II Dịch Vọng, Từ Liêm, Hà Nội,
 đội mũ rơm dự lễ khai giảng năm học mới 1972 - 1973 
 
Ngay từ năm 1964, khi Mỹ tiến hành đánh phá miền Bắc, những chiếc mũ rơm đã được phổ biến rộng rãi. Những người từng sống và lớn lên trong thời kỳ đó hẳn ai cũng nhớ hình ảnh chiếc mũ rơm trên đầu học sinh khi cắp sách đến trường dưới làn bom đạn. 
Ban đầu, mũ rơm được làm đơn giản từ những sợi rơm như nùn rơm nhưng bện nhỏ hơn và uốn theo hình nón, có nhiều cỡ cho từng lứa tuổi. Mũ rơm giúp cho người đội hạn chế sự sát thương của bom bi. Ngoài mũ rơm, những em học sinh thời chiến còn được cha, mẹ trang bị cho những nùn rơm nhỏ, đeo sau lưng giống như cái khiên… Những sợi rơm vàng thân thuộc đó đã trở thành hành trang cùng các em tới trường.
 
  
Lớp học ở sân đình, bàn ghế đơn sơ cùng chiếc nùn làm từ rơm 
 
  
Các em học sinh nhanh chóng di chuyển vào hầm khi có báo động
 
Chiếc mũ rơm dày, nặng và túi thuốc cá nhân trên vai mỗi học sinh khi đến trường vào những năm chiến tranh đã trở thành quen thuộc, đã tạo nên những cảm xúc cho những nhà thơ để viết nên những vần thơ đẹp. Nhưng trên hết, hình ảnh những trẻ em đầu đội mũ rơm đến trường đã cho thấy: Các em đã được chuẩn bị tâm thế để “sống chung với bom đạn chiến tranh”, biết tự phòng, chống để tự cứu mình. Có lẽ do chiến tranh hiện diện quá lâu nên trở thành quen, không còn là nỗi ám ảnh, âu lo cho mọi người, kể cả với những em nhỏ. Họ đã bình tĩnh đi qua chiến tranh…
Trong nội dung trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” đang giới thiệu tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, những hình ảnh đó một lần nữa lại được tái hiện và nhắc tới: đó là những chiếc nùn (nui) rơm vật dụng đơn giản, mộc mạc nhưng lại vô cùng hữu dụng trong thời chiến. 
 
 
Nùn rơm đậy trên nóc hầm tăng xê trong trưng bày “Tìm lại ký ức”
 
Nùn rơm được làm từ những cọng rơm sau khi đã tuốt hết hạt lúa, bện chặt như quấn thừng, có thể to bằng cổ tay hay bắp chân và dài hàng chục mét. Đoạn rơm được bện đó được cuộn chặt lại thành vòng tròn từ trong ra, cứ mỗi vòng lại buộc lạt cho chắc, đến hết đoạn rơm rồi nắn lại cho chiếc nùn rơm dẹt đều, rồi lấy những thanh tre làm nẹp. Nùn rơm thường dùng để đậy trên nắp hầm cá nhân và cửa hầm chữ A nhằm hạn chế sát thương của bom đạn. 
 
  
Các cháu ở vườn trẻ Hợp tác xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội 
bên chiếc hầm tránh bom có cửa làm bằng nùn rơm
 
 
Du khách bên chiếc nùn rơm trên nắp hầm tăng xê 
 
Mỗi ngày, Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón trên 1000 lượt khách đến tham quan trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” và du khách vô ngạc nhiên và thích thú với hình ảnh chiếc nùn rơm được đặt trên nắp hầm tăng xê - một hình ảnh đã đi vào tiềm thức của những người dân Hà Nội trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972.
 
Dương Thanh Hùng - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm

Chia sẻ: