Robert P. Chenoweth (tên thân mật là Bob) năm nay 69 tuổi, từng là phi công tham chiến tại Việt Nam từ tháng 01/1967, bị bắt tháng 02 năm 1968 tại Quảng Trị. Sau khi được trao trả về Mỹ vào tháng 3/1973, Bob là thành viên trong nhóm phản chiến, hoạt động tích cực trong phong trào hòa bình Mỹ, cùng với Lady Borton, Jane Fonda và những người trong Ủy ban Hòa bình Mỹ, Bob đã đi rất nhiều bang ở Hoa Kỳ từ miền Đông đến miền Trung và miền Tây để nói chuyện về lịch sử văn hóa Việt Nam, thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam…
Nhận lời mời của Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 27/11/2017, Robert P. Chenoweth (Bob) cùng với 3 người bạn đã sang Việt Nam để dự buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức” vào 8h30 ngày 29/11/2017 tại Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Đây không phải là lần đầu Bob trở lại Việt Nam kể từ năm 1973, nhưng với Bob, mỗi lần quay trở lại mảnh đất hình chữ S, quay trở lại Hà Nội và đặt chân tới Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò lại có những cung bậc cảm xúc rất khác biệt.
Hạ sỹ Robert P. Chenoweth tham chiến tại Việt Nam từ tháng 01/1967. Tháng 02/1968, khi đang thực hiện một phi vụ, máy bay trực thăng của Robert P. Chenoweth bị trúng đạn trên bầu trời Quảng Trị, một người đã chết khi máy bay nổ, những người còn lại bị bắt.
Hạ sỹ Robert P. Chenoweth trong khi làm nhiệm vụ
tại miền Nam Việt Nam, tháng 4/1967
Năm năm sống trong các trại tạm giam ở Việt Nam, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ tháng 10/1968 đến tháng 3/1973, Bob đã được chuyển về trại giam phi công Mỹ ở số nhà 17 phố Lý Nam Đế và tiếp đến là Trại giam Hỏa Lò, chờ ngày trao trả. Bob cùng những người bạn của mình đã được đọc những cuốn sách tiếng Anh về Việt Nam như: Việt Nam To-day, Vietnamese Studies, được học vẽ, học đàn, được trao đổi thông tin với nhau theo từng nhóm nhỏ… Khoảng thời gian này đã đưa đến cho Bob một sự quyết định hoàn toàn mới về công việc của ông sau này.
Với Bob, tập san Vietnamese Studies (Nghiên cứu Việt Nam - một trong những tạp chí tiếng nước ngoài mà nhà văn hóa Hữu Ngọc là Tổng Biên tập) đã để lại trong ông những ấn tượng sâu sắc nhất. Khi đọc những cuốn tạp chí này, nét đẹp về truyền thống văn hóa Việt Nam đã dần ngấm sâu vào tâm hồn Bob, ông từng chia sẻ: “Đối với riêng tôi, những cuốn sách này đã bước vào đời tôi tại một thời điểm tuyệt vời. Nó giúp tôi nhận biết và đánh giá đúng tình cảnh của mình. Chúng làm sáng tỏ những câu hỏi, và cả những câu trả lời của tôi về cuộc chiến tranh, đặc biệt về những con người mà trước đó tôi từng đối đầu”.
Những kiến thức về lịch sử Việt Nam mà ông “tích góp” được trong thời gian sống trong các trại giam đã cho ông một cái nhìn xác thực về con người, đất nước và lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Cũng chính từ đây, Bob đã từ bỏ ước mơ nghiên cứu về máy bay, ông hy vọng sau này được trở về nước sẽ học về ngành sử để có thể hiểu cặn kẽ lịch sử cũng như bề dày văn hóa Việt Nam.
Hạ sỹ Robert P. Chenoweth được trao trả
tại Sân bay Gia Lâm, Hà Nội, ngày 15/3/1973
Sau khi trở về Mỹ, Bob đã chuyển hẳn sang nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam, trở thành “vị quan chức ngành bảo tàng của Hoa Kỳ”. Nhiều năm qua đi, Bob đã sưu tầm được ở Mỹ, không nhiều các số của tạp chí Vietnamese Studies, bởi lẽ các thông tin trên các cuốn tạp chí này sẽ giúp ích cho những ai muốn tìm hiểu về Việt Nam và cuộc chiến tranh của Mỹ, dù những thông tin đó không còn mang tính thời sự.
Robert P. Chenoweth làm việc với cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, ngày 27/11/2017
Sau những nỗ lực không ngừng của bản thân, giờ đây Bob đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác bảo tàng, sưu tầm và lưu giữ được nhiều tư liệu, hiện vật quý, từng làm việc tại Công viên lịch sử quốc gia Hoa Kỳ. Một phần trong số “gia tài” của Bob chính là những kỷ vật Việt Nam mà ông mang trong hành trang khi trở về Mỹ vào tháng 3/1973. Hơn ai hết, Bob luôn nâng niu, gìn giữ những kỷ vật đó như những báu vật và dự định sẽ giữ mãi bên mình.
Robert P. Chenoweth giới thiệu với TS Nguyễn Thị Bích Thủy - Trưởng ban QLDT
Nhà tù Hỏa Lò về bức ảnh chụp tại sân bay Gia Lâm, chuẩn bị được trao trả về nước,
tháng 3/1973(Bức ảnh hiện đang được trưng bày tại chuyên đề “Tìm lại ký ức”)
Năm 2017, qua nhiều sự giới thiệu và tích cực kết nối, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã liên lạc được với Bob. Chỉ bằng việc trao đổi thông tin qua Email mà đội ngũ cán bộ chuyên môn của đơn vị đã gần như “chinh phục” được Bob. Một lời mời trân trọng được gửi đi từ Lãnh đạo Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò: Mời Bob sang Việt Nam, tham dự buổi khai mạc trưng bày chuyên đề “Tìm lại ký ức”. Không một chút đắn đo, Bob đã vui vẻ nhận lời. Đặc biệt hơn, trong hành trang quay trở lại “ Khách sạn Hilton - Hà Nội” lần này của Bob lại là 20 kỷ vật được Bob mang từ Việt Nam về Mỹ cách đây gần 45 năm. Những kỷ vật tưởng chừng như là “máu thịt của Bob” giờ đây đã được Bob tin tưởng trao lại cho những người làm công tác bảo tàng ở một đất nước cách xa Bob tới nửa vòng trái đất. Trao lại hiện vật cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để giới thiệu tại trưng bày “Tìm lại ký ức” cùng với mong muốn những hiện vật đó sẽ tiếp tục phát huy giá trị ở những nội dung trưng bày khác về sau.
Đó là toàn bộ số quân tư trang mà Bob đã được cấp phát để sử dụng trong thời gian sống trong các trại giam ở miền Bắc Việt Nam: quần áo dài, quần cộc, khăn mặt, dép cao su, bát, đũa ăn cơm, trong đó có một đôi đũa được sơn màu đỏ, Bob cho biết thêm “ông chỉ dùng đôi đũa đó trong các bữa ăn ngày Lễ, Tết”. Đó còn là số quân tư trang mà Bob cùng những đồng đội của ông được trang bị và họ đã sử dụng khi trao trả về nước vào tháng 3/1973, gồm: bộ quần áo dài, áo lót, áo bludong, giầy da, túi xách...
Robert P. Chenoweth bên những kỷ vật ông mang từ Mỹ tới tặng Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Hy vọng rằng, với lần trở lại Việt Nam này, Bob và những người bạn yêu Việt Nam của ông sẽ được “Tìm lại ký ức”, họ sẽ có thêm thật nhiều những cung bậc cảm xúc, và chắc chắn rằng họ sẽ lại tiếp tục giành nhiều tình cảm cho những người Việt Nam mà Bob và những người bạn của ông đã, đang và sẽ được gặp.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục - Truyền thông
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn - Phòng NCST