Tin tức– Sự kiện
31/05/2018 10:38 31/05/2018 10:38 1418
Trọn đời theo Đảng
Chúng tôi đến thăm ông và một ngày đầu Xuân, ngôi nhà cổ trên căn phố yên tĩnh ngay trung tâm Hà Nội của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười dường như khá thân thuộc với những cán bộ đang công tác tại Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bởi lẽ ông là “một kho tư liệu” quý mà chúng tôi mong muốn được sưu tầm để phục vụ cho công tác chuyên môn.  
Đã nhiều lần chúng tôi được lên căn phòng của ông nằm trên gác 2, căn phòng rộng khoảng 20m2, được bài trí rất đơn giản, chỉ có chiếc giường, tủ gỗ cùng nhiều vật lưu niệm, trong đó có khá nhiều chiếc đồng hồ cũ kỹ. Trên tường và trong tủ kính còn có những bức ảnh tư liệu ông chụp trong những năm kháng chiến. Trong căn phòng đó chỉ có chiếc tivi là tương đối hiện đại được đặt cạnh giường để ông theo dõi tin tức. Tuy đã trên 100 tuổi, nhưng hàng ngày ông vẫn dành thời gian để đọc báo, nghe thời sự trong và ngoài nước. Thật hiếm có những người ở độ tuổi như ông mà vẫn tường minh đến vậy, dù ông đã từng trải qua những tháng năm tù đày gian khổ, chịu bao cực hình tra tấn của kẻ địch.
 
 
Ông Tạ Quốc Bảo, Lão thành CM cùng lãnh đạo Ban QLDT Nhà tù Hỏa Lò 
thăm, chúc Tết Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, tháng 02/2018
 
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ngày 02/02/1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1939. Năm 1943, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù, giam tại Nhà tù Hoả Lò - Hà Nội. Trong hồi ký của mình, ông đã kể về thời gian bị giam giữ tại đây: “… Chúng tôi về đây cũng là lúc nhà tù đã chật ních các tù nhân, phần lớn là tù chính trị…Với chế độ giam cầm hà khắc, ăn uống cực khổ lại sống trong môi trường mất vệ sinh đã nhanh chóng vắt kiệt sức lực tù nhân. Nhiều người trong số họ đã chết trước khi mãn hạn”. 
Tháng 3/1945, ông tham gia cuộc vượt ngục cùng với hơn 100 chiến sỹ, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh uỷ Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông. Nhắc tới cuộc vượt ngục này, ký ức lại ùa về trong ông như chỉ mới ngày hôm qua: “Chúng tôi cử đồng chí Hoà và đồng chí Quang chui xuống thăm dò, anh em chúng tôi còn lại đứng trên canh phòng. Độ 30 phút sau hai đồng chí lên cho biết là ở dưới ấy tối lắm nhưng cũng tìm thấy được lối ra rồi, chúng tôi liền chia thành hai tốp chui xuống cống. Tốp đồng chí Trần Tử Bình và đồng chí Hoà…đi trước, còn tôi, anh Quang, anh Cao Đàm đi sau. Nước trong cống đen đặc, hôi thối, đầy rác rưởi, có đoạn bị thu hẹp lại, chúng tôi phải lách mình mới qua được. Hôm ấy là ngày 12/3/1945”.
 
 
Đoàn cán bộ Bộ VHTTDL, Cục Di sản VH, Sở VHTT Hà Nội 
tiếp nhận hiện vật của Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trao tặng cho Bảo tàng Hà Nội
 
Sau tháng Tám 1945, ông giữ chức Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông  Đỗ Mười lần lượt đảm nhận các công tác khác nhau tại các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Liên khu III; Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam; Bí thư kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh Nam Định; Khu uỷ viên Khu III kiêm Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; Phó Bí thư liên Khu uỷ III kiêm Phó Chủ tlch Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu III; chính uỷ Bộ Tư lệnh Liên khu III; Bí thư Khu uỷ tả ngạn Sông Hồng kiêm Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến hành chính và Chính uỷ Bộ Tư lệnh Khu tả ngạn Sông Hồng.
 
 
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với các chiến sĩ cách mạng 
bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1993
 
Đồng chí Đỗ Mười đã từng kinh qua nhiều cương vị công tác, được tôi luyện, trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến cứu nước và các giai đoạn xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc. Ngày 12/4/2018 vừa qua, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương quyết định tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, đó chính là những tình cảm sâu sắc nhất và trân trọng công lao to lớn của đồng chí Đỗ Mười cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc.
 
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng hoa nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Giáo dục, Truyền thông

Chia sẻ: