May mắn cho chúng tôi được gặp cô Hạ Chí Nhân - con gái nhà cách mạng Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt) và bà Khuất Thị Bảy khi đến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò vào sáng ngày 10/8/2018.
Đi từng buồng giam, cô Hạ Chí Nhân cùng chồng xúc động kể lại cho chúng tôi về quá trình hoạt động của đồng chí Hạ Bá Cang và bà Khuất Thị Bảy cũng như quãng thời gian mà đôi vợ chồng cũng là hai người đồng chí, hai chiến sỹ cách mạng đã từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò. Khoảng cuối năm 1931 đầu năm 1932, chi bộ đảng ở Nhà tù Hỏa Lò được thành lập do đồng chí Hạ Bá Cang làm Bí thư. Chi bộ được tổ chức và hoạt động rất bí mật, chỉ những đồng chí được gia nhập chi bộ rồi mới biết có chi bộ và chỉ biết trong phạm vi tổ đảng.
Đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt)
Bí thư đầu tiên trong Nhà tù Hỏa Lò năm 1931 - 1932
Theo lời kể của cô Nhân, hình ảnh mẹ cô là bà Khuất Thị Bảy, tranh thủ về thăm các con khi trời xẩm tối rồi lại vội vã ra đi khi các con còn chưa tỉnh giấc lặp đi lặp lại khiến chị em cô quen dần. Cô Nhân tâm sự: “Chẳng được ở với ba và mẹ, trẻ em thời kháng chiến chúng tôi là thế. Chúng tôi thấu hiểu những hy sinh của ba, mẹ tôi, vì nhiệm vụ chung của đất nước mà phải xa lìa những đứa con khi chúng còn quá bé bỏng. Chắc mẹ tôi đã phải chịu đựng nhiều lắm!”.
Đồng chí Khuất Thị Bảy - vợ đồng chí Hạ Bá Cang
Bị địch bắt, giam cầm và tra tấn dã man, lại chịu nhiều gian khổ trong suốt thời gian dài hoạt động cách mạng nên sau này, bà Khuất Thị Bảy thường xuyên đau ốm. Phải đấu tranh chống lại bệnh tật, đồng thời cố gắng làm tròn công việc được Đảng giao, bà Bảy luôn cố gắng chịu đựng không một lời kêu ca. Tiếp nối câu chuyện với chúng tôi, cô Nhân ngậm ngùi nhớ lại: “Tôi không sao quên được hình ảnh mẹ tôi mỗi khi trời trở gió, những cơn đau đầu dồn dập kéo đến vì di chứng đòn roi của địch, nằm trên giường bệnh, hai tay mẹ bám chặt vào thành giường, môi mím lại cố ghìm giữ cơn đau”.
Tư liệu, hiện vật được trưng bày cùng hình tượng các chiến sỹ cách mạng bị cùm chân tại phòng giam như chạm vào ký ức tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, cô Nhân cùng chồng rưng rưng chia sẻ với chúng tôi: “Khi tham quan các phòng giam này, tôi như thấy được hình ảnh của ba, mẹ khi bị giam tại đây. Tôi thật sự xúc động và tự hào”.
Sau khi được nghe những câu chuyện về đồng chí Hoàng Quốc Việt - Bí thư đầu tiên của Chi bộ Nhà tù Hỏa Lò và người vợ - người đồng chí của ông là bà Khuất Thị Bảy, chúng tôi thật sự cảm động trước những tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sỹ cách mạng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục - Truyền thông