Tin tức– Sự kiện
19/08/2018 21:35 19/08/2018 21:35 1890
Tháng Tám - Nhớ về những vị tướng của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam
Suốt cuộc trường chinh chiến đấu với khát vọng hòa bình cho dân tộc, lực lượng vũ trang Công an nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nhân dân hết lòng đùm bọc, nuôi dưỡng đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt. Trong chặng đường đấu tranh gian khổ ấy, nhiều cán bộ, chiến sỹ công an đã bị bắt, giam trong ngục tù thực dân, đế quốc. Nhưng, chính những tháng ngày “nếm mật nằm gai” ấy, chẳng thể khuất phục được họ mà càng luyện rèn chí thép, bản lĩnh của người chiến sỹ Công an nhân dân “vì nước quên thân vì dân phục vụ”. Nhớ về họ, thế hệ trẻ ngày hôm nay luôn trân trọng khi nhắc tới những câu chuyện của những người anh hùng chỉ với đôi “chân trần” bước vào cuộc chiến, chống lại kẻ thù bằng “chí thép” và sức mạnh phi thường. 
 
 
 
 
Lật giở lại những trang sử vàng truyền thống của lực lượng Công an nhân dân, có không ít những “vị tướng của lòng dân” đã sống, chiến đấu, và cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng và xây dựng, phát triển, tạo nên những dấu ấn thành công của lực lượng, đó là các đồng chí: Mai Chí Thọ, Phạm Kiệt, Phan Trọng Tuệ, Hoàng Hữu Kháng, Nguyễn Đức Minh... Điểm chung trong câu chuyện của những nhân vật kể trên đó là một phần tuổi thanh xuân của họ đã gửi lại nơi tù ngục lạnh lẽo của thực dân, đế quốc. Giữa nơi dường như chỉ có khổ đau như: Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo lại bừng sáng lý tưởng cao đẹp của những người cộng sản kiên trung. Nơi hầm tối là nơi sáng nhất, gông cùm và những trận đòn tra tấn tàn khốc của kẻ thù đã mài sáng ý chí cách mạng của họ. Mặc những đau đớn về thể xác, mặc những đọa đày về tinh thần, họ vẫn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng, “biến nhà tù thành trường học” rèn luyện ý chí , tổ chức cuộc sống trong tù đầy lạc quan, hy vọng và tìm đường trở về tiếp tục chiến đấu.
Thoát khỏi nơi ngục tù lạnh lẽo, họ lại tiếp tục bước tiếp con đường cách mạng, trở thành những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành những người nhà cầm quân tài tình, người chỉ huy nghiêm khắc nhưng lại luôn giản dị, yêu thương chiến sỹ, gần gũi nhân dân, luôn tiên phong, sẵn sàng xả thân trên chiến trường và lan tỏa chí thép đến toàn quân. Trong khoảnh khắc ác liệt của những ngày khói lửa đó, chính tình yêu với Tổ quốc đã giúp họ vượt qua mọi gian nan, đạp bằng mọi thử thách, góp phần viết lên từ bản hùng ca Điện Biên Phủ năm 1954 đến khúc khải hoàn Bắc - Nam sum họp năm 1975 và chính mỗi “vị tướng” của lực lượng Công an nhân dân lại giúp công chúng xúc động khi nhớ lại ký ức về một thời hoa lửa của họ. 
Đó là Trung tướng Phạm Kiệt - người chỉ huy một nửa đời đầu là tận trung cho Quân đội, nửa đời còn lại tận tụy, hết lòng với lực lượng Công an. Ông luôn hiện hữu trong những câu chuyện của lực lượng vũ trang với hình ảnh người thủ lĩnh của khởi nghĩa Ba Tơ và những quyết định táo bạo trong chiến dịch Điện Biên Phủ như lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhận định: “...Anh Kiệt là người duy nhất lúc đó đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh”! Chỉ có Kiệt mới dám nói như thế!”. 
 
 
Tướng Phạm Kiệt - Người chia sẻ quyết định quan trọng nhất với tướng Giáp tại Điện Biên Phủ ngày ấy
 
Đó là Đại tướng Mai Chí Thọ - người góp phần công sức không nhỏ trong việc hình thành và tổ chức hoạt động của mạng lưới tình báo phía Nam, cung cấp nhiều thông tin quan trọng, làm nên thắng lợi của ngày 30/4/1975 lịch sử. Đóng góp nhiều cho cách mạng, cho nhân dân là thế nhưng ông cũng chỉ có một tâm nguyện: “Tôi mong muốn tha thiết được nói lên như thế nào để làm nổi bật công lao to lớn của đồng bào, chiến sỹ, cán bộ ta đã đóng góp cho dân tộc. Nhờ có họ, chúng ta mới có được hai chữ Việt Nam trên bản đồ thế giới, được các dân tộc khác nể trọng và mới có cuộc sống đi thẳng lưng, ngẩng cao đầu, tự hào là người Việt Nam. Bản thân tôi cũng nhờ họ mà còn sống, chiến đấu và công tác cho tới ngày nay”. 
 
 
Đại tướng Mai Chí Thọ, vị tướng được tôi luyện trong nhà tù thực dân
 
Đó là hình ảnh của Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của Công an nhân dân vũ trang (nay là Công an Biên phòng). Những ngày đầu mới hoạt động, mọi công tác xây dựng lực lượng gặp muôn vàn khó khăn, vất vả nhưng đồng chí luôn tâm niệm theo lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công tác chống gián điệp, biệt kích phải do cấp ủy thống nhất lãnh đạo nhằm huy động và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quần chúng với các ngành, nhất là lực lượng Công an, Quân đội và dân quân, du kích, với phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, trong đó lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu” làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động chỉ đạo của mình. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, với vai trò của người thủ lĩnh của công tác hậu cần, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo các hoạt động giao thông liên lạc xuyên suốt, góp phần không nhỏ đảm bảo chi viện lượng thực, sức người, sức của vào với miền Nam ruột thịt.
 
 
Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ - Người chiến sỹ cách mạng trung kiên 
 
Đó là Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Hữu Kháng - người cận vệ đã có hơn hai thập kỷ ở bên Chủ tịch Hồ Chí Minh, người vinh dự được Bác Hồ đặt tên như một khẩu hiệu vang vọng một thời: Trường - Kỳ - Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi. Từ những ngày Người hoạt động ở Tân Trào, Tuyên Quang cho tới khi Bác qua đời, đồng chí luôn túc trực bên cạnh, bảo vệ Bác trong những tình huống hiểm nguy. Có lẽ, trong tâm tư, đồng chí coi Bác Hồ như người cha của mình và trong suy nghĩ của vị Cha già kính yêu cũng có phần nào đó coi đồng chí như con. Suốt 36 năm tham gia lực lượng Cảnh vệ, trong đó có 28 năm là lãnh đạo Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ), đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng chiến đấu dũng cảm để bảo vệ tuyệt đối an toàn Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. 
 
 
 Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Hữu Kháng - Người cận vệ ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Với Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh - người đã mở đường để đánh chiếm Sài Gòn mùa xuân năm 1975, những hình ảnh của tháng ngày tham gia hoạt động bí mật, vượt lên gian khổ, cùng cán bộ chiến sỹ đã trải qua nhiều năm “nếm mật nằm gai” ở chiến trường khu 6 nhưng tràn đầy tinh thần lạc quan để sống và chiến đấu hết mình khiến khóe mắt vị tướng già nhuốm lệ. Nhớ lại những ngày ở chiến trường khu 6, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh cho biết: “Đó chính là những tháng ngày cực kì gian khổ nhưng anh em luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sống và chiến đấu hết mình giành độc lập, thống nhất đất nước. Vào khu 6, anh em phải ăn sắn cả ngày, phát huy “hậu cần tại chỗ”, cán bộ chiến sỹ thường xuyên tăng gia trồng ngô, trồng sắn và hái rau rừng (lá bép) ăn qua ngày. Có những lúc thiếu thốn, anh em vẫn buộc phải nhổ sắn nhiễm độc lên nấu ăn để cầm cự lấy sức”. 
 
 
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Minh 
 
 
 
 
Chiến tranh đã kết thúc trên đất nước Việt Nam hơn bốn thập kỷ nhưng những câu chuyện của lịch sử, của thời đạn bom ác liệt, về bản lĩnh, trí tuệ của những người thủ lĩnh vũ trang văn võ song toàn vẫn hiện hữu, có sức lan tỏa tới công chúng. Ngày hôm nay viết tiếp ngày hôm qua, những chuyến thăm quan, học tập, tìm hiểu của cán bộ, chiến sỹ đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã góp phần bồi đắp nhận thức, nâng cao tinh thần trách nhiệm để thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ tiền bối đi trước, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đoàn kết một lòng, vượt qua gian khó, tích cực đóng góp trí tuệ, công sức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hòa bình, phát triển, để xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp thế hệ cha anh đi trước bởi quá khứ chỉ vinh quang khi hiện tại và tương lai biết làm đẹp cho đời.
 
Phạm Thị Hoàng My
Phòng Giáo dục - Truyền thông 

 

Chia sẻ: