Tin tức– Sự kiện
24/09/2018 16:32 24/09/2018 16:32 4482
Những cánh thư ra Bắc vào Nam (Phần 1)
Ôi! Sống như Anh, sống trọn đời
Sáng trong như ngọc một con Người!
Trong lễ tiễn biệt Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, nhà thơ Tố Hữu đã lấy hình ảnh một con người sáng trong như ngọc để ca ngợi hình tượng cao đẹp về một vị tướng đức tài trọn vẹn, trí dũng song toàn của quân tội ta. Một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ chí Minh vĩ đại. Với đại tướng trước mặt là Tổ quốc, trong tim là quê hương, là gia đình, là vợ và các con. Hai mươi năm xa nhà, Đại tướng đã gửi về cho vợ Bà Nguyễn Thị Cúc 73 bức thư. Nội dung những bức thư  giúp chúng ta hiểu thêm từng bước chân trên cả con đường của Đại tướng, của gia đình, những khắc khoải cách xa, những lo âu trĩu nặng, những dặn dò ân cần, niềm vui và cả khao khát trong lòng người chồng, người cha đang gánh vác biết bao nhiệm vụ nặng nề.
 
Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và nhân viên phục vụ
 
Với những người lính xa nhà, nhận được thư của người thân là nguồn động viên lớn nhất giúp họ vượt qua những khó khăn, gian khổ. Những lá thư của Đại tướng và bà Nguyễn Thị Cúc gửi cho nhau không hề có mùi bom đạn, mà chỉ là những lời dặn dò, những tình cảm yêu thương gửi cho nhau:
 
Thư Đại tướng Nguyễn Chí Thanh gửi cho bà Nguyễn Thị Cúc (tức Tâm), nhắn nhủ tinh thần học tập không ngừng, ngày 06/5/1949.
Em Tâm!
“… Gắn chặt việc học ở nhà trường với công việc bên ngoài. Lấy tài mình học đem việc đời khảo nghiệm, khi đó mới linh hoạt, khỏi phải mắc bệnh Livresque, chữ ta là sách vở… Thôi có mấy lời gởi thăm và dặn dò Tâm. Mong Tâm vui, khỏe để học”.
Trong 73 bức thư, danh xưng Cúc - Thanh thường chỉ sử dụng trong những năm tháng hòa bình. Thời kháng chiến chống thực dân Pháp, bí danh Chính - Tâm là phổ biến. Còn kháng chiến chống Mỹ sử dụng bí danh Nam - Lý. Thao là tên khác trong giai đoạn đi B của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
“Anh Thao ơi! Cúc dặn nhé: Công việc làm ăn của anh nặng nhọc nhiều, anh cố bồi dưỡng để đủ sức làm ăn lâu dài anh nhé. Cúc chỉ mong anh đừng ốm đau” - Thư viết tháng 8/1965”.
Thời “Bình Trị Thiên khói lửa”, bà Cúc lên chiến khu với ông Thanh, nhưng mỗi người ở một chiến khu, nghĩa là vẫn xa cách. Con trai đầu lòng của của họ cũng được sinh ra trong thời gian đó và bà Cúc đặt tên con là Trường Sơn, đúng như mong muốn của Đại tướng. Cuộc sống ở chiến khu hết sức khó khăn, bà lại bị sốt rét nặng, không có sữa nên cả hai mẹ con rất yếu. Để đảm bảo sức khỏe cho con, bà Cúc phải gửi Trường Sơn nhờ họ ngoại trông. Lúc đầu Sơn khỏe mạnh nhưng sau đó bụng to dần do di chứng sốt rét và đã mất sau đó ít lâu. Khi bà Cúc sinh con thứ hai, cũng là lúc Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận nhiệm vụ mới ở chiến khu Việt Bắc. Đại tướng đã rất lo lắng sức khỏe của vợ con, dù việc nước bộn bề nhưng Đại tướng vẫn dành thời gian viết thư về gia đình. Từ Việt Bắc, ngày 08/8/1950, Đại tướng đã gửi thư từ Hà Tĩnh về cho vợ:
“Lạ quá, ngày 26/7/1950, anh nhận được điện chị Thanh Hà cho biết Cúc đã sinh con gái. Ngày 26/6 theo thơ Cúc thì còn 1 tháng nữa mới sinh. Thế là sao?... Anh lo Cúc chắc rồi đây ít sữa, làm thế nào?. Ngày 22/8/1980, Đại tướng lại viết: “Tiếp được thư này chắc Cúc đã sinh gần hai tháng rồi cứ theo thư Cúc cho anh biết… có nói Chương đi tìm xin hoặc mua cho Cúc cái gì ép nước đó, nhưng đây cũng không có Cúc ạ. Anh trông tin Cúc lắm, nhất là khoảng Cúc sắp đẻ, có được lành mạnh không? Con ra thế nào … mong thơ em và ảnh của hai mẹ con”. Ngày 23/9/1950, Đại tướng lại viết tiếp: “… Không biết Cúc có đủ sữa cho con bú không. Con của chúng mình có ngoan không, khỏe không. Cúc đã đặt tên gì cho con hay đợi anh…”. Những bức thư liên tiếp gửi về cho vợ, người đọc cảm nhận rõ sự lo lắng, sốt ruột của một người chồng đang mong ngóng đứa con đầu, sau khi Trường Sơn mất.
Trong lá thư cuối cùng sau khi nhận được lá thư hiếm hoi gửi từ hậu phương vào cuối năm 1965, Đại tướng viết: “Mừng quá, vì đã hơn 2 tháng nay chưa nhận được thư mới, và anh đã gởi ra tất cả là 3 lá thơ từ tháng 5 đến tháng 7. Có một lá nữa anh do cầm đi chậm có lẽ còn ít lâu nữa mới đến… Nghe cả 4 con đều mạnh khỏe và học khá ba mừng. Ba mong các con khỏe hơn, lao động khá hơn và nhất là trau dồi đạo đức cho tốt vì nó là cái gốc của con người… Nghe bà khỏe, mừng lắm, còn cả Cúc khỏe nữa, anh mừng lắm…”. Chỉ một đoạn ngắn thôi mà từ “mừng” được nhắc lại đến 4 lần. Mừng vì nhận được thư, mừng vì con khỏe, mừng vì mẹ khỏe, mừng vì vợ khỏe nữa. Người đọc như hình dung ra một nụ cười hạnh phúc của người đàn ông xa nhà, mỗi ngày giữa chiến trường luôn ngóng chờ tin từ hậu phương.

Vợ chồng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng các con, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thị Kim Sơn, Nguyễn Thị Thành và Nguyễn Chí Vịnh.(Còn tiếp)
 
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: