Sau sự cố lần ấy, mấy tháng sau, Trại trưởng Trần Trọng Duyệt nhận được một bức thư của Monika viết trên hai mặt giấy, một mặt viết bằng tiếng Đức, một mặt viết bằng tiếng Anh. Thư tạm dịch như sau:
Kính gửi ông chỉ huy,
Từ tháng 12 năm 1971, tôi đã xin phép nuôi một con mèo. Tôi rất thích động vật, nhất là loài mèo, vì vậy tôi rất vui khi được nhà cầm quyền cho phép. Tôi cho rằng: sự đối xử như vậy, dù là hành động nhỏ, nhưng rất văn minh, biểu lộ chính sách khoan hồng nhân đạo của Nhà nước Việt Nam.
Còn đối với những đề nghị trước đây, tôi tin rằng hoặc đã không tới tay cơ quan ông, hoặc chưa được ông quan tâm thỏa đáng. Nhưng tôi hết lòng hi vọng lần này thì ông sẽ không lãng quên việc tôi xin phép nuôi con mèo này.
Một khi tôi được phóng thích, tôi xin phép được mang theo con mèo về nước. Là một tù binh, tất nhiên giờ đây tôi chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng tôi xin hứa sẽ bồi thường tất cả chi phí tăng thêm vì tôi được phép nuôi con mèo này. Xin nhường ông sự lựa chọn, bằng phương thức trao đổi thích hợp nhất, do ông tự sắp xếp.
Hi vọng thiết tha rằng ông không bỏ qua lời đề nghị của tôi.
Xin gửi tới ông chào trân trọng.
Ký tên: Monika
Bức thư của nữ tù binh Monika Schwenn đề nghị ông Trần Trọng Duyệt, Lãnh đạo trại giam cho mang con mèo đang nuôi về Mĩ, ngày 25/1/1972.
Sau đó việc nuôi mèo trong phòng giam của Monika đã được Ban chỉ huy chấp nhận. Cô ta vui lắm, luôn tỏ ra dịu dàng và tử tế với mọi người, bởi được chăm sóc con vật mà mình yêu thích.
Khi nhận được bức thư của của Monika, Đại tá Trần Trọng Duyệt rất xúc động. Sau hơn 30 năm, ông vẫn giữ được bản gốc bức thư “Xin nuôi một con mèo” của Monika. Nó được viết bằng thứ chữ nhỏ li ti, đẹp và đều tăm tắp như kiểu chữ vi tính. Ngay bên dưới là bản tạm dịch viết tay của một cán bộ quản giáo và giờ đây bức thư đã được lưu giữ tại phòng trưng bày về cuộc sống, sinh hoạt của phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò (1964 - 1973).
Đại tá Trần Trọng Duyệt - Nguyên lãnh đạo trại giam phi công Mỹ tại Hỏa Lò
Trong một lần được gặp Đại tá Trần Trọng Duyệt, với giọng trầm ấm ông chia sẻ: “ Tôi rất tiếc, ngày trao trả các tù binh tại sân bay Gia Lâm, tôi đã không có được một bức hình nào của Monika. Nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ mãi ánh mắt của cô ấy khi quay lại nhìn về phía tôi...”
Nguyễn Đức Trung, Phòng Giáo dục – Truyền thông
Tổng hợp và biên soạn