Nằm trong khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long linh thiêng, chứng kiến biết bao biến cố của lịch sử dân tộc, cột cờ Hà Nội còn là nhân chứng của Lễ chào cờ ngày Giải phóng Thủ đô cách đây 64 năm (10/10/1954 - 10/10/2018).
Cột cờ Hà Nội còn gọi là Kỳ Đài được xây dựng năm 1812 dưới triều vua Gia Long, cùng lúc xây thành Hà Nội theo kiểu Vô băng (Vauban) của Pháp ở thế kỷ XVII. Lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên được tung bay trên đỉnh cột là sau Cách mạng tháng Tám 1945, vào ngày 2/9/1945. Lần thứ hai là đúng vào ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954.
Tháng 10 của 64 năm về trước, khắp phố phường Hà Nội đang sống trong bầu không khí hân hoan đón chờ đoàn quân chiến thắng trở về. Đặc biệt tại khu vực cột cờ, từ ngày hôm trước, các chiến sỹ bộ đội công binh của Trung đoàn Thủ đô đã lắp lên cột cờ một ống thép nặng 200 kg, cao 12 mét để treo lá cờ Tổ quốc rộng hơn 50 mét vuông trên độ cao 45 mét.
Lễ chào cờ lịch sử ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954
Chiều ngày 10/10/1954, cả thành phố dồn về khu vực cột cờ trong ánh nắng nhẹ của tiết trời thu, trang nghiêm chờ đợi giờ phút lịch sử. Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn ngân một hồi dài, Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Trị được vinh dự kéo lá cờ đỏ sao vàng bay lên. Dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên, đoàn quân nhạc cử Quốc thiều.
Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Trị - người vinh dự
kéo lá cờ đỏ sao vàng ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954
Hàng chục vạn đồng bào hướng lên lá cờ đỏ sao vàng. Giờ phút lịch sử đó đã ghi sau trong ký ức của mỗi người dân Thủ đô. Sau lễ chào cờ, toàn thể các đơn vị quân đội và đồng bào nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp giải phóng Thủ đô. Lời kêu gọi của Người do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội đọc vì lúc đó Bác đang trên đường từ Chiến khu Việt Bắc trở về Thủ đô.
Trong lời chúc mừng, Bác đã viết:
“Cùng đồng bào Hà Nội thân mến!
Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi. Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể…”
Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bồi hồi nhớ lại giờ phút lịch sử năm xưa: “Trong buổi lễ chào cờ, tôi được vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô. Lời Bác thân mật, thiết tha. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô…”
Ngày mùa thu tháng mười lịch sử ấy đã đi qua 64 năm, hơn 30 năm tiến hành đổi mới cùng đất nước, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng san sát rực rỡ ánh đèn, những đường phố rộng rãi, những cây cầu ngang dọc... Hà Nội đang vươn cao và trải rộng để hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại nhưng đâu đó trên những con đường, những tuyến phố hình ảnh đoàn quân giải phóng đã đi qua sẽ mãi là những ký ức không bao giờ phai của những cán bộ, chiến sỹ và nhân dân - những người đã từng có mặt và chứng kiến giây phút hào hùng khi xưa. Những thế hệ công dân Thủ đô hôm nay dù không được chứng kiến những giây phút hào hùng đó nhưng vẫn cảm nhận được niềm tự hào từ các thế hệ cha anh và sẽ luôn ghi nhớ, biết ơn những chiến sỹ đã ngã xuống, anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, vì sự toàn vẹn của Thủ đô Hà Nội - Thủ đô anh hùng - Thủ đô hòa bình.
Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục - Truyền thông