Thời kì Hà Nội bị tạm chiếm (1947 - 1954), Nhà tù Hỏa Lò là nơi thực dân Pháp sử dụng để giam giữ những nguời tham gia kháng chiến, ủng hộ cách mạng, trong đó có cả những nữ sinh của các trường Trưng Vương, Chu Văn An... Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ mới mười sáu, đôi mươi, đang ngồi trên ghế nhà trường nhưng với lòng yêu nước, căm thù giặc, họ đã hăng hái tham gia vào phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên chống lại thực dân Pháp bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó có một nữ sinh của Trường Chu Văn An, đó là bà Đỗ Hồng Phấn. Trước khi đỗ vào trường Chu Văn An bà từng là một nữ sinh tiêu biểu của trường nữ sinh Trưng Vương.
Vào một sáng mùa Thu tháng Mười, Hà Nội đang chuyển mình sang tiết trời se se lạnh, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ với bà Đỗ Hồng Phấn tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Cô nữ sinh Hà Thành tiêu biểu của ngôi trường Chu Văn An ngày nào từng tích cực tham gia vào phong trào kháng chiến của học sinh, sinh viên và bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò vào tháng 11 năm 1950. Đã nhiều lần đến thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, nơi bà đã từng trải qua những ngày tháng tù ngục gian khổ, nhưng mỗi lần quay trở lại, cô nữ sinh ngày nào lại bồi hồi, xúc động khi nhớ về những kỉ niệm, tự hào kể cho chúng tôi nghe về một thời thanh xuân đầy sôi nổi và nhiệt huyết của mình.
Bà Đỗ Hồng Phấn bồi hồi nhớ về những kỉ niệm
Thời kỳ thực dân Pháp tạm chiếm Hà Nội, phong trào học sinh kháng chiến phát triển mạnh, tiêu biểu là cuộc bãi khóa diễn ra trong 12 ngày của hơn 4000 học sinh, sinh viên và lễ truy điệu anh Trần Văn Ơn, đã mở đầu cho cao trào học sinh kháng chiến những năm 1949 - 1950. Khi đó, bà Đỗ Hồng Phấn hăng hái hoạt động tham gia vào các phong trào như: đưa thư vận động bãi khóa, in truyền đơn, ném truyền đơn ... và hoạt động tích cực trong Đoàn học sinh kháng chiến, cùng với đó bà còn phụ trách một tổ nữ sinh của Trường Chu Văn An.
Bà Đỗ Hồng Phấn vui mừng khi thấy mình trong bức hình của những nữ sinh lớp 3B Trưng Vương năm 1949
Chính vì tích cực tham gia nhiều phong trào đấu tranh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên tuy là học lớp 2B đệ nhị, chuyên khoa toán trường Chu Văn An (lớp 11 trung học phổ thông ngày nay) nhưng bà đã được Thành Đoàn tin tưởng phân công làm Bí thư Chi đoàn học sinh Kháng chiến Trường nữ sinh Trưng Vương, vì bà từng là cựu học sinh của trường và lúc này trường Trưng Vương chỉ có cấp cơ sở, học sinh còn ít tuổi cần có người hướng dẫn. Tuy không trực tiếp hoạt động trong trường, nhưng bà đã cùng Ban chấp hành Chi đoàn sinh hoạt đều đặn, xây dựng và phát triển tổ chức, nghĩ ra nhiều hình thức hoạt động. Nhân sự kiện chiến dịch Biên Giới giành thắng lợi vang dội, bà đã có sáng kiến vận động các bạn học, treo một lá cờ đỏ sao vàng to bằng vải trong khuôn viên trường Trưng Vương, kết hợp ném truyền đơn và đốt pháo ăn mừng. Khi thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay, cả sân trường lúc bấy giờ đồng thanh lên hát bài Tiến Quân Ca. Biết tin, thực dân Pháp ngay lập tức ra tay khủng bố, bắt hàng loạt nữ sinh tại trường. Bà Đỗ Hồng Phấn bị chúng bắt khi đang trao đổi thông tin và chuyển tài liệu tại nhà của một nữ sinh Trưng Vương ở phố Cửa Đông. Chúng đưa bà đến Sở Mật Thám để khám xét và hỏi cung. Trong quá trình khám xét, mật thám Pháp phát hiện ra số tài liệu, ảnh tuyên truyền về chiến thắng Biên Giới trong cặp sách mà bà mang theo. Ngay sau đó, chúng đánh đập, tra tấn bắt bà phải khai ra những người liên quan đến phong trào, nhưng bà quyết giữ vững ý chí, kiên quyết không khai. Để bảo toàn khí tiết của mình và không muốn liên lụy đến bất cứ ai, khi bị giam vào xà lim, bà đã đập vỡ chiếc bát ăn cơm, viết lên tường xà lim bốn khẩu hiệu: Cách mạng vô sản thế giới thành công muôn năm! Kháng chiến thành công muôn năm! Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Rồi sau đó tự cắt mạch máu tay của mình.
Khi biết sự việc, lính Pháp đã đưa bà vào nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện 108) để chữa trị, sau khi sức khỏe hồi phục chúng chuyển bà vào giam tại trại nữ của Nhà tù Hỏa Lò, trong trí nhớ của bà “trại dài hun hút, hai dãy bệ xi măng đầy tù nhân, nằm sát nhau mới đủ chỗ”. Tại đây, bà Hồng Phấn đã nhận được sự chăm sóc tận tình và giúp đỡ của những nữ tù chính trị vì họ biết cô nữ sinh mới vào còn khá non nớt. Nhận được sự chăm sóc của mọi người, bà Đỗ Hồng Phấn cảm thấy ấm áp, bớt lo sợ và yên tâm hơn. Đây là những cảm xúc mà bà nhớ mãi. Sau đó, chúng lại chuyển bà sang buồng biệt giam trước dàn nho. Mặc dù bị giam, bà vẫn tìm cách để liên lạc và nghe ngóng tin tức từ bên ngoài thông qua mỗi lần người mẹ ruột của mình đến thăm. Sau hơn 2 tháng bị giam tại Nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp đã trả tự do cho bà vào ngày 21/1/1951, do bà chưa đủ 18 tuổi. Ngay sau khi được thả, bà đã tìm cách liên lạc và quay trở lại tổ chức Đoàn và được gọi ra vùng tự do kháng chiến. Sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, bà trở về với phong trào và trường học Hà Nội.
Bà Đỗ Hồng Phấn tham quan hiện vật bức thư do chính bà viết để gửi cho các bạn học sinh, sinh viên Hà Nội trước ngày đi dự Hội nghị Quốc tế về bảo về quyền lợi thanh niên tại Thành phố Viên (Áo), năm 1953
Kết thúc câu chuyện, bà chia sẻ với chúng tôi rằng, bà vẫn luôn tự hào bởi đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc và hiện tại mặc dù tuổi đã cao nhưng bà vẫn đang cống hiến sức lực cho công cuộc kiến thiết đất nước. Bà mong muốn rằng, giới trẻ ngày nay sẽ luôn sống hết mình với lý tưởng, tiếp tục kế thừa và phát triển sự nghiệp của cha anh đi trước, góp phần đưa đất nước Việt Nam ngày càng phồn thịnh, phát triển.
Bài: Mai Thị Huyền, phòng Giáo dục - Truyền thông
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn, phòng Nghiên Cứu - Sưu tầm