Chiến tranh kết thúc, người còn, người mất. Nhưng 64 năm qua, chiếc Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” trở thành báu vật, được nâng niu, gìn giữ bởi những người ở lại. Đó không chỉ là kỷ niệm, mà còn là sự ghi nhận, tri ân với những người línhđã từng tham gia và góp phần tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong quá trình sưu tầm hiện vật, chúng tôi đã lưu giữ được 3 chiếc Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” của Đại tá Dương Niết, Đại tá Lê Duy Tư và Thượng úy Nguyễn Như Hóa. Những chiếc huy hiệu quý giá này hiện đang trưng bày tại chuyên đề “Hà Nội ngày trở về”.Ý tưởng về việc thiết kế một tấm huy hiệu mang biểu tượng của Chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm cổ vũ, nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bốn yêu cầu được đặt ra đối với tấm huy hiệu:1. Có hình rừng núi (phù hợp với địa hình lòng chảo Mường Thanh);2. Có chiến sĩ với mũ nan ở tư thế xung phong;3. Có pháo binh trong đó có cả cao xạ vì đó là vũ khí lần đầu xuất hiện ở Điện Biên;4. Có dòng chữ “Quyết chiến quyết thắng” trên quân kỳ và chiến sĩ Điện Biên Phủ. Hình thức cô đọng, gọn nhẹ, khái quát cao trên nền xanh và màu sáng.Thực hiện ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích, (lúc này chỉ khoảng 20 tuổi) đang công tác tại Báo Quân đội Nhân dân đóng quân trên mặt trận, chuyên sáng tác tranh cổ động đã được giao trọng trách và họ đã nhanh chóng bắt tay vào công việc sáng tác. Sau nhiều ngày cặm cụi, miệt mài, hình mẫu Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” được hoàn thành. Trong một hình tròn nhỏ, hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ "Quyết chiến, quyết thắng" nổi bật phía trên, một chiến sĩ quả cảm, đội mũ nan lưới đang cầm súng hướng về phía trước. Bên trái huy hiệu, nòng pháo cao xạ giương lên sẵn sàng nhằm thẳng quân thù mà bắn. Trên huy hiệu còn có hình ảnh rừng núi và dòng chữ “Xuân 1954” để ghi đấu trận đánh quan trọng này. Trung ương Đảng và Bác Hồ quyết định sẽ tặng cho các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho các chiến sĩ
tại chiến khu Việt Bắc, sau chiến thắng Điện Biên Phủ
Đại tá Dương Niết, Đại tá Lê Duy Tư, Thượng úy Nguyễn Như Hóa là 3 trong số rất nhiều những chiến sĩ từng tham gia trong “năm mươi sáu ngày đêm khoét núi ngủ hầm mưa dầm cơm vắt/ máu trộn bùn non/ gan không núng/ chí không mòn”chiến đấu anh dũng. Các đồng chí đã vinh dự được phát, gắn trên ngực áo chiếc Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Chiếc huy hiệu như một kỷ vật thiêng liêng, là niềm tự hào, kỷ niệm không bao giờ quên, nhắc họ nhớ về thời khắc được sống, chiến đấu trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Trong quá trình đi phỏng vấn, chúng tôi may mắn được Đại tá Dương Niết, Đại tá Lê Duy Tư và gia đình Thượng úy Nguyễn Như Hóa cho phép sử dụng kỉ vật thiêng liêng này để trưng bày trong chuyên đề “Hà Nội - ngày trở về”. Qua những hiện vật, câu chuyện trong trưng bày, chúng tôi mong muốn truyền tải đến những du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ niềm tự hào, tự tôn dân tộc, lòng biết ơn trước những hi sinh của thế hệ cha anh đi trước để thêm vững bước trên con đường xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phát triển.
Mai Thị Huyền, phòng Giáo dục - Truyền thông