Cuộc sống con người là một hành trình, và cuộc đời của chúng ta là một con đường với vô vàn những ngã rẽ. Trên con đường ấy, với tình yêu, đam mê hay định hướng, mỗi người sẽ có những quyết định và lựa chọn cho riêng mình.
Nụ cười của những nữ thanh niên xung phong sau một ngày san đường, lấp hố bom
Những ngày giữa tháng 11, trong nắng và gió, tôi có cơ hội được trải nghiệm, lắng nghe những câu chuyện ở mảnh đất miền Trung ruột thịt, được đi trên những cung đường nơi đã thấm đẫm máu xương, mồ hôi, thanh xuân và sức trẻ của biết bao chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến. Những tên gọi Đồng Lộc, Khe Giao, đường 20 - Quyết Thắng, Trường Sơn... đã trở thành biểu tượng cho tinh thần “tất cả vì tiền tuyến” của sức trẻ Việt Nam thời ấy. Và câu chuyện về những cung đường đó, mỗi lần nghe lại, mỗi lần chạm đến là niềm xúc động như lại dâng trào.
Trong kháng chiến chống Mỹ, giao thông vận tải được ví như “mạch máu” nối liền hậu phương với tiền tuyến. Đây cũng được xem là “mặt trận” nóng bỏng nhất, là mục tiêu luôn nằm trong sơ đồ đánh phá của đế quốc Mỹ nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Trên những cung đường đó, từng giây, từng phút không biết đã phải hứng chịu biết bao bom đạn với sức tàn phá và hủy diệt đến ghê người! Sau mỗi lần quần thảo của kẻ thù, bất chấp hiểm nguy, các chị, các anh thanh niên xung phong đã xẻ núi, phát cây, mở đường cho xe ra tiền tuyến. Bao hố bom địch cày xới đã được những bàn tay con gái mảnh mai khỏa lấp, để xóa lành vết thương cho những con đường lại được vẹn nguyên, cho nhiều bước chân của đoàn quân ra trận đi qua. Họ có đau không? Có chứ! Mười đầu ngón tay bầm dập, xước máu. Họ có mệt không? Có chứ! Đêm cũng như ngày, chưa kịp ngả lưng sau một ngày san đường, mở lối thì đêm xuống lại miệt mài thông đường. Quả bồ kết nướng chưa kịp gội đầu, bữa cơm chiều nấu chưa kịp ăn, nhận tín hiệu cần thông đường, các chị, các anh lại tràn đầy nhiệt huyết, nhận nhiệm vụ với cả trái tim, niềm đam mê, quyết đảm bảo giao thông thông suốt cho các đoàn xe đi qua với một niềm tin tự nhủ trong lòng: “Máu có thể chảy, tim có thể ngừng nhưng mạch máu giao thông không bao giờ được tắt!”.
Thanh niên xung phong lấp hố bom ở Ngã ba Đồng Lộc
Mưa bom, bão đạn, luôn cận kề cái chết là vậy, mà chị Võ Thị Tần vẫn lạc quan viết thư về cho mẹ: “Mẹ của con, thấy giặc đánh nhiều hơn dạo trước, chắc là mẹ lo cho chúng con lắm! Nhưng không, mẹ đừng lo, ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm, chúng thắp đèn để chúng con làm đường. Ban ngày, chúng đem bom giết cá để chúng con cải thiện. Bom đạn của chúng có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển những trái tim của chúng con, mẹ ạ!”. Những lời nhắn nhủ đó dường như không chỉ là lời chị Tần gửi cho mẹ mà còn là đại diện cho tất cả lực lượng thanh niên xung phong gửi tới những người thân thương.
Bức thư Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần gửi về gia đình 5 ngày trước khi hy sinh
Để mở đường 20 - Quyết Thắng sau những trận đánh phá, lực lượng thanh niên xung phong chỉ dùng công cụ hết sức thô sơ là cuốc, thuổng, quang gánh và đôi tay của sức trẻ. Trong những năm 1968 đến 1972, có lẽ không một ngày nào, bầu trời ở đường 20 - Quyết Thắng không ầm ầm bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận mưa bom. Không chỉ mặt đường bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển. Nhưng các chàng trai, cô gái vẫn bám đường, bám chặt vị trí chiến đấu. Pháo sáng lòa, máy bay kẻ thù trút đầy đạn, bom nhưng các anh, các chị chỉ với tấm vải dù khoác trên vai đã tình nguyện làm cọc tiêu dẫn đường, phá bom mở lối, thậm chí sẵn sàng hy sinh để bảo vệ an toàn các đoàn xe ra tiền tuyến đem lại sự sống cho chiến trường.
Lực lượng thanh niên xung phong mở đường 20 - Quyết thắng
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, con đường “chiến lược” Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - huyết mạch nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam không chỉ là tuyến vận tải quân sự, tuyến hậu cần chiến lược mà còn là một chiến trường tổng hợp, một mặt trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch. Trong những năm khói bom rực trời ấy, hàng vạn thanh niên đã bám rừng, bám đường để bảo đảm con đường huyết mạch luôn được thông suốt. Giữa “Rừng lá đỏ ào ào” của Trường Sơn đại ngàn, hình ảnh cô gái thanh niên xung phong xuất hiện như những ngôi sao lấp lánh không rực rỡ mà sáng trong. Màu lá đỏ chính là hiện thực Trường Sơn gian khó và hào hùng, màu lá màu đỏ ấy chính là máu của các anh, các chị đổ ra thấm đẫm màu cờ Tổ quốc.
“Sống trong cát, chết vùi trong cát;
Những trái tim như ngọc sáng ngời”.
Thanh niên xung phong phá bom, mở đường Trường Sơn
Vâng, những cung đường hạnh phúc: Đồng Lộc, Khe Giao, đường 20 - Quyết Thắng, Trường Sơn ở miền Trung ruột thịt đã chở nặng những câu chuyện của lớp thanh xuân 20, thấm đẫm câu chuyện về sự hy sinh cao cả của một thời hoa lửa. Lực lượng thanh niên xung phong với nhiệt huyết tuổi trẻ đã đạp bằng gian khổ, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa Xuân 1975, viết nên khúc ca Bắc - Nam khải hoàn sum họp của màu cờ đỏ kiêu hãnh trên đất trời Việt Nam. Bất chợt, trong lồng ngực của trái tim tuổi trẻ, tôi thấy rạng ngời vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp của hành động xả thân ở tuổi 20 tràn căng nhiệt huyết và bản lĩnh. Sự hy sinh cao cả của mười cô gái Ngã Ba Đồng Lộc, của những chàng trai, cô gái tại hang Tám Cô (Quảng Bình), của hàng vạn thanh xuân trên con đường Trường Sơn huyền thoại năm nào sẽ là tấm gương trong vắt, để tuổi trẻ hôm nay và mai sau soi mình và tìm ở đó những "chất ngọc” quý giá!
Khẽ chạm và đọc khẽ dòng thơ viết về những người nữ thanh niên xung phong năm xưa:
“Tên con đường là tên em gửi lại.
Cái chết em xanh khoảng trời con gái.
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em …
Gương mặt em bạn bè tôi không biết.
Nên mỗi người có gương mặt em riêng”.
Bất chợt, trái tim tôi trào dâng xúc động, tự hào và cảm phục biết bao! Là thanh xuân được sinh ra và lớn lên trong thời bình, tôi thấy được may mắn khi đi lại trên những cung đường hạnh phúc mà thanh xuân đi trước đã phải xây dựng và bảo vệ bằng máu, hạnh phúc riêng tư thậm chí cả tính mạng. Những ngày được tới với Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, tôi đã được tiếp thêm sức mạnh và nhiệt huyết từ những câu chuyện trên các cung đường; được tiếp thêm những đam mê và niềm khát khao chính phục những thử thách. Và tôi tự nhủ, sự hy sinh của các anh các chị cũng là một thông điệp mà họ muốn gửi gắm cho hiện tại và tương lai: “Hãy nghĩ nhiều về những ngày đã qua để sống tốt hơn trong hiện tại”.
Phạm Hoàng My
Phòng Hành chính - Tổng hợp