Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi vào quá khứ. Nhiều hoạt động tích cực về đất nước, con người Việt Nam cũng như nhân dân Mỹ đã được thực hiện góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.
Đã hơn 50 năm kể từ khi Tư lệnh Donald Richard Hubbs, một phi công Hải quân Mỹ, phóng máy bay đến Vịnh Bắc Bộ và mất tích vào ngày 17/03/1968. Khi đó Jill Hubbs con gái của ông mới được 10 tuổi. Bằng niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, năm 1993, bà Jill Hubbs lần đầu tiên đến Việt Nam để tìm kiếm thông tin về cha. Chia sẻ với chúng tôi, bà Jill nói: “Khi quyết định đến Việt Nam năm 1993, mẹ tôi đã không đồng ý, bà không muốn cho tôi đi. Bà đã lo lắng vì nếu đến miền Bắc Việt Nam, liệu tôi có được chấp nhận, đặc biệt là khi họ biết rằng cha tôi là một phi công người Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh. Nhưng tôi vẫn quyết định ra đi.
Tất cả không như mẹ tôi lo lắng, người dân Việt Nam vô cùng thân thiện. Tôi đã có dịp đến thăm một gia đình một người Việt, người mẹ của gia đình đó đã mất hai con trai trong chiến tranh. Bà đã cầm bức ảnh của cha tôi và đặt vào giữa ảnh của hai con trai mình rồi cầu nguyện. Tôi không hiểu là bà đã cầu nguyện điều gì, nhưng tôi cảm nhận được sự mất mát của bà rất giống tôi.Trước chuyến đi đó, bất cứ khi nào tôi nghe từ “Việt Nam” tôi đều nghĩ về cuộc chiến. Nhưng giờ đây với tôi, Việt Nam trở thành một đất nước nơi những người xa lạ đã trở thành bạn bè.”
Bà Jill Hubbs cầm bức ảnh gia đình
Với vai trò là một nhà sản xuất phim, bà Jill Hubbs sau chuyến đi đến Việt Nam trở về, đã sản xuất nhiều bộ phim. Trong số đó có phim "Họ là cha của chúng tôi” quay lại các cuộc phỏng vấn với các con trai và con gái đã mất cha ở phía Mỹ trong cuộc chiến. Bà cũng là một người ủng hộ nhiệt tình và gây quỹ cho “The Wall South” - Đài tưởng niệm Cựu chiến binh Việt Nam vào năm 1992 tại quê hương Pensacola, Florida.
Được phép của Hội Việt Mỹ, bà Jill Hubbs cùng các thành viên khác thuộc “Dự án hai phía” (Two Side Projects) đã đến Việt Nam vào tháng 11/2018. Trong chuyến đi lần này, các thành viên của đoàn đã đến tham quan Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Trước Đài tưởng niệm các chiến sỹ yêu nước, cách mạng hy sinh tại Nhà lao Hỏa Lò (1899 - 1954), bà Jill Hubbs trang trọng đặt bó hoa mà mình đã chuẩn bị sẵn với lời tâm sự: “Tôi muốn trở lại Việt Nam với những người khác. Mong muốn đó thôi thúc tôi tiếp tục hành trình của mình. Tôi muốn đặt bó hoa tưởng nhớ đến cha tôi - người lính tử trận tại vùng biển Vịnh Bắc Bộ - để tỏ lòng tôn kính. Nhưng với tôi bây giờ, nỗ lực hành động cho cây cầu nối tình hữu nghị, hòa bình và hiểu biết giữa người dân hai nước chúng ta, mới là hành động thiết thực nhất mà tôi có thể làm để vinh danh cha và những người bạn”.
Bà Jill Hubbs trang trọng dâng hoa tại Đài tưởng niệm
Khép lại chuyến tham quan tại nơi đã từng là “Địa ngục trần gian” hay “Khách sạn vỡ tim” là những cái ôm và bắt tay nồng ấm. Đúng là chiến tranh không phân định ai là kẻ thắng bại, đúng sai mà chỉ còn lại chúng ta - Những người bạn yêu chuộng hòa bình.
Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục - Truyền thông