Nhà tù Hoả Lò được thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỉ XIX, chốn “địa ngục trần gian” này từng là nơi giam giữ hàng ngàn chiến sĩ yêu nước cách mạng Việt Nam. Nằm giữa trung tâm của Thủ đô Hà Nội, Di tích Lịch sử Nhà tù Hỏa Lò như minh chứng của một thời kỳ đấu tranh anh dũng, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ yêu nước cách mạng Việt Nam.Nhiều thế hệ người Việt Nam đã bị giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò, đó là các nhà nho yêu nước như cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can... đến các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười... những người con ưu tú của dân tộc ta, sau này trở thành cán bộ cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng nhiều cán bộ chiến sĩ cách mạng khác. Dù chịu sự tra tấn đầy đoạ, giam cùm trong xà lim, ngục tối, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng nhưng các chiến sĩ vẫn giữ vững ý chí đấu tranh, biến nhà tù thực dân trở thành trường học cách mạng, là môi trường rèn luyện tư tưởng, lòng yêu nước, khí tiết của người cộng sản. Ngay trong nhà tù Hỏa Lò, những lớp huấn luyện chính trị tập trung được mở, các tờ báo Lao tù đỏ, Lao tù tạp chí,... ra đời, nhiều cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân liên tiếp diễn ra.
Trại giam nam tù chính trị trong Nhà tù Hoả Lò
Phát huy giá trị của một trường học yêu nước, cách mạng, thời gian vừa qua, Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong việc giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam. Các cán bộ, nhân viên tại Di tích luôn thực hiện tốt các công tác chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ tiếp đón khách tham quan trong và ngoài nước nhiệt tình, chu đáo. Sự hài lòng của du khách chính là động lực để Ban Quản lý Di tích Nhà tù tiếp tục nỗ lực phấn đấu để Di tích Hoả Lò luôn điểm đến thu hút, một điểm dừng chân không thể nào quên của du khách khi muốn tìm hiểu về lịch sử.
Đoàn sinh viên Malaysia tới tham quan di tích Hoả Lò ngày 7/11/2018
Sinh viên Đại học Ngoại Thương Hà Nội học ngoại khoá tại Di tích ngày 5/12/2018
Đoàn đại biểu vùng Nam Ostrobothnia - Phần Lan thăm Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ngày 10/1/2019
Ngô Thị Hồng Nhung
Phòng Giáo dục – Truyền thông