Tin tức– Sự kiện
21/01/2019 15:20 21/01/2019 15:20 4265
Đi tìm nơi xét xử cụ Phan (Phần 2)
 
 
Trước làn sóng yêu nước chống phản động thuộc địa cuồn cuộn dâng cao ở Hà Nội và cả nước, thực dân Pháp buộc phải đưa vụ án Phan Bội Châu ra xét xử công khai.
Phố Hàng Tre dài 306m, kéo dài từ phố Hàng Mắm đến phố Lò Sũ, cắt ngang qua ngõ Bạch Thái Bưởi và phố Hàng Thùng, thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.
Đây nguyên là đất của một thôn trong mười thôn đều có tên gốc là Trừng Thành thuộc tổng Tả Túc (sau đổi là tổng Phúc Lâm), huyện Thọ Xương cũ.Vì phố này ở sát ngay bờ sông Hồng, tiện cho việc bốc dỡ tre nứa nên đã có những “sạp” bán tre nứa tại đây, do đó mà thành tên. (Khoảng cuối thế kỷ XIX, đoạn cuối phố này có thời gian cũng gọi là phố Hàng Cau vì có các cửa hàng bán cau khô. Về sau các hàng này mới chuyển vào chỗ đầu phố Hàng Bè).
Tên phố có từ trước thời Pháp thuộc gọi là “Rue des Bambous”. Năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt phố Hàng Tre. Các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này.
 
 
Phố Hàng Tre những năm cuối thế kỷ 19
 
Sau khi chiếm xong Hà Nội, ngay từ năm 1884, người Pháp thành lập Toà án cho Bắc kỳ và Trung kỳ, gọi là Toà Thượng thẩm Hà Nội. Triều đình Huế chỉ được xử các vụ án giữa người Việt, còn các vấn đề có liên quan đến Pháp phải đem ra Hà Nội xử tại toà Thượng thẩm. Toà Thượng thẩm thời ban đầu đặt tại cuối phố Hàng Tre, nên người dân gọi là Toà án Hàng Tre.
Khi xét xử cụ Phan, tòa kết án khổ sai chung thân, sau lại nhượng bộ tha bổng, nhưng quy định chỗ ở tại Huế để tiện theo dõi và kiểm soát. Trong 15 năm cuối đời, ông già bến Ngự (cụ Phan Bội Châu) vẫn giữ trọn phẩm cách cao khiết, không ngừng tuyên truyền tinh thần yêu nước bằng văn thơ nên được nhân dân yêu mến.
 
Tòa án Hàng Tre, số 23 phố Hàng Tre
nơi thực dân Pháp xét xử cụ Phan
 
Năm 1896 Cung Công lý (Palais de Justice) được xây ở phố Carreau (nay gọi là phố Lý Thường Kiệt). Năm 1906, chính quyền Pháp cho dời tòa án thì toà Thượng thẩm trở thành trường Cao đẳng Công chính, rồi sau là Nha Công chính Đông Dương. Nhưng nhân dân vẫn gọi khu nhà đó là Tòa án Hàng Tre. Hiện nay, tòa nhà số 23 phố Hàng Tre là trụ sở của hai cơ quan: Uỷ ban sông Mê Công Việt Nam và Ban Quản lý Trung Ương các dự án thuỷ lợi.
Công năng của ngôi nhà một thời được dùng làm tòa án nay không còn nữa nhưng tòa nhà số 23 phố Hàng Tre vẫn mang dáng vẻ cổ kính như trước kia. Lịch sử Việt Nam ghi nhận vụ án Phan Bội Châu đã kéo theo phong trào đấu tranh rầm rộ đẩy mạnh tuyên truyền tinh thần dân tộc. Tất cả những sự kiện đó đã làm cho thế hệ thanh niên đang băn khoăn tìm đường cứu nước hăng hái tiến hành đấu tranh vì độc lập tự do.    
 
     Hoàng Thúy Hạnh
Phòng Giáo dục - Truyền thông

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: