Tin tức– Sự kiện
13/07/2019 01:58 13/07/2019 01:58 3190
Điều mong chờ khi mùa hè tới
Khi những tiếng ve râm ran trong vòm lá, hoa phượng vĩ rực đỏ trên cây, là lúc các bạn học sinh từ 9 đến 15 tuổi lại háo hức đón chờ chương trình “Em học làm thuyết minh” do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức.
Trải qua ba năm liên tiếp, chương trình “Em học làm thuyết minh” đã trở thành hoạt động bổ ích trong dịp hè của các bạn nhỏ yêu lịch sử. Năm 2019, chương trình có thêm nhiều đổi mới, giúp các bạn không chỉ học thuyết minh đơn thuần mà còn được tham gia vào các trải nghiệm tâm lý, rèn kỹ năng mềm thú vị.
Khác với hai năm trước, năm nay, chương trình thực hiện tuyển sinh online để tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh và thí sinh. Trong 1 tháng đào tạo với 8 buổi học (bao gồm 01 buổi đi thực tế trải nghiệm và Gala Tổng kết), những kiến thức lịch sử được lồng ghép với việc rèn luyện khả năng ngôn ngữ, thuyết trình trước đám đông.
 
 
Học viên Minh Nhật lớp A1 nhận tài liệu trong buổi học đầu tiên
 
Buổi học đầu tiên của hành trình “Em học làm thuyết minh” năm 2019 diễn ra sôi nổi, thú vị. Các bạn học viên được làm quen với những người bạn mới. Những nhút nhát, lúng túng ban đầu nhanh chóng thay thế bằng sự hào hứng, sôi nổi khi tham gia các hoạt động học tập. Các bạn cũng được học cách đặt mục tiêu và neo động lực để theo đuổi mục tiêu đến cùng, được tìm hiểu tổng quan về lịch sử của Nhà tù Hỏa Lò và tham gia rất nhiều hoạt động nhóm khác. 
 
 
Các bạn học viên nghe thuyết minh về làng Phụ Khánh
 
Trong các buổi học tiếp theo (4 buổi), các bạn được tìm hiểu về nội dung thuyết minh trong Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ứng với 05 chủ đề gần gũi: Giá trị của cuộc sống đầy đủ ngày nay; Bài học về tình mẫu tử; Bài học về tình đồng chí; Bài học về lòng dũng cảm và Giá trị của hòa bình hôm nay. Các bạn được nghe các cô thuyết minh trực tiếp tại điểm để trực quan, thực tế hơn. Sau đó, mỗi học viên sẽ luyện tập thuyết trình trước cả lớp. 
 
 
Học viên Nguyễn Hà Anh tập thuyết minh trước cả lớp
 
Mỗi buổi học lại được lồng ghép thêm những trải nghiệm tâm lý khác nhau ứng với từng chủ đề. Đó có thể là hoạt động viết thư để gửi đến những người muốn nói lời cảm ơn hay xin lỗi; Là nghe kể câu chuyện cảm động về tình mẫu tử qua bức thư con gái viết cho mẹ đã đi xa; Là rèn luyện sự kiên trì, nghị lực qua trải nghiệm về định mục tiêu - neo động lực; Và đặc biệt, phần hô khẩu hiệu đồng thanh trong mỗi buổi học đã giúp các bạn nhỏ hào hứng hơn, tràn đầy năng lượng khi tham gia các hoạt động học tập.
 
 
Những phần quà nhỏ động viên các con
 
Tiếp nối những thông điệp được phát động tại khai mạc trưng bày "Nhật ký hòa bình" tổ chức tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, sáng ngày 06/7/2019, các bạn học viên chương trình "Em học làm thuyết minh” năm 2019 và phụ huynh đã có chuyến đi thiện nguyện tới Làng Hữu nghị Việt Nam, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Với mong muốn khơi dậy lòng nhân ái, phát huy truyền thống "Thương người như thể thương thân"; "Lá lành đùm lá rách”, Ban tổ chức chương trình đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của các Quý phụ huynh và học viên. Các bạn nhỏ tự tay trao tặng số tiền ủng hộ hơn 10 triệu đồng, cùng với đó là những món quà giản đơn như truyện tranh, những quyển tập tô, bút mầu hay bánh kẹo… đến các nạn nhân chất độc da cam và các cựu chiến binh đang sinh hoạt tại đây.
 
 
Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa tại Làng Hữu nghị Việt Nam
 
Đối với các học viên của chương trình, sau chuyến đi ấy, các bạn đã nhận ra rằng xung quanh mình còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh cần được che chở, yêu thương. Từ đó, các con sẽ biết quý trọng hơn những gì mình đang có và quan trọng nhất là thấu hiểu được thông điệp: "Hạnh phúc là sẻ chia" - "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".
Mỗi buổi học đi qua, hành trình cảm xúc lại nối dài thêm những kỷ niệm. Buổi Gala tổng kết sẽ là dịp để cùng nhìn lại sự thay đổi của các bạn học viên từ khi bắt đầu cho đến lúc kết thúc khóa học “Em học làm thuyết minh” năm 2019 đầy lý thú. Đây chắc chắn đang và sẽ là chương trình học hấp dẫn, bổ ích được các bạn nhỏ trông ngóng mỗi khi hè về.
 
Lã Bích Thủy
Phòng Giáo dục - Truyền thông 


Chia sẻ:

Bình luận của bạn: