Tin tức– Sự kiện
17/07/2019 17:06 17/07/2019 17:06 2646
Nỗi đau không của riêng ai
Sau lễ khai mạc, trưng bày "Nhật ký hòa bình" đã thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng, khách tham quan trong và ngoài nước, bởi thông điệp về tình yêu hòa bình, tình đoàn kết và hữu nghị; những câu chuyện xúc động khi nỗi đau do chiến tranh gây ra không chỉ của riêng ai. Một trong số đó là câu chuyện về Cựu chiến binh Mỹ Daniel J. Shea.
“Chất độc màu da cam năm xưa đã giết chết mẹ tôi/Trong một trận càn/Để lại cho tôi đứa em cút côi… Nhưng giờ đây dư âm của chiến tranh/Là chất độc da cam đã tàn phá em tôi/Đã vào cơ thể của em tôi/Mẹ ơi không thể nào/Không thể nào còn gặp lại em yêu”, chiến tranh là như vậy, hậu quả đã để lại biết bao đau đớn cho những người dân vô tội. Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm, nhưng những di chứng từ cuộc chiến tàn khốc thì vẫn còn đó. Từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những cựu binh Mỹ hiểu rõ sự khốc liệt của chiến tranh. Dường như trong tâm thức họ, hai từ chiến tranh quá khủng khiếp. Daniel J. Shea là một trong số đó, bởi chính ông cũng phải hứng chịu hậu quả của cuộc chiến tranh. Ông từng phục vụ trong lực lượng Thuỷ quân Lục chiến Hoa kỳ (1968 -1969). Năm 1968, ông tham chiến vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam trong thời gian 3 tháng, tại đúng nơi bị quân đội Mỹ rải chất độc màu da cam. 
Sau khi trở về Mỹ, ông kết hôn và có hai đứa con, Casey và Harmony xinh đẹp. Nhưng thật không may, Casey - đứa con trai đầu lòng khi sinh ra đã bị bệnh tim bẩm sinh, hở hàm ếch, dạ dày dị dạng, buộc phải có sự chăm sóc đặc biệt. Cậu bé mất khi mới 3 tuổi. Trái tim của người cha như thắt lại bởi ông đã mất đi thiên thần bé nhỏ của mình, lý do là vì di chứng của chiến tranh. Câu chuyện của ông đã gây xúc động với nhiều khách tham quan khi đến với phần 3 - "Thông điệp cho ngày mai" trong trưng bày "Nhật ký hòa bình": "Tôi trở về Mỹ và chẳng muốn nói gì về chiến tranh, thậm chí không muốn thừa nhận mình từng ở trong quân đội. Tôi lập gia đình, tới ngày vợ sinh con, vợ tôi đau đẻ gần 10 tiếng. Khi cháu vừa chào đời, tôi cảm thấy có điều gì đó bất thường, cô y tá cứ nhìn chằm chằm vào con tôi. Tôi tự hỏi có điều gì tồi tệ xảy ra. Tới khi bác sĩ gặp tôi và nói, cháu bị hở hàm ếch và gặp vấn đề về tim mạch. Sau đó con tôi được đưa vào phòng phẫu thuật. Khi cánh cửa phòng mổ chuẩn bị khép lại, ánh mắt của con nhìn tôi như đang gọi: Ba ơi, ba ơi! Nó làm tôi nhớ lại thời điểm ở Việt Nam. Ánh mắt của những người chỉ huy của tôi dồn người dân vô tội vào một căn nhà, đóng cửa lại và ra lệnh giết tất cả. Sau cuộc phẫu thuật, tôi bế con trong tay và cháu đã trút hơi thở cuối cùng trong lòng tôi. Lúc đó tôi có cảm giác như cả thế giới đã rời bỏ tôi. Ngay thời điểm đó, tôi tự hỏi tại sao những con người như chúng tôi lại đi giết những đứa con của gia đình khác. Từ đó, tôi cam kết với bản thân mình sẽ làm mọi thứ mà tôi có thể ngừng chiến tranh lại”.
 
 
Du khách chăm chú đọc câu chuyện về Daniel J. Shea tại
trưng bày "Nhật ký hòa bình"
 
Ông vẫn thường xuyên nghĩ tới con trai mình, nghĩ tới những đứa trẻ khác đang phải chịu đựng nỗi đau như con mình đã từng chịu đựng trước đây. Đau xót hơn là khi con gái ông hỏi nếu cô ấy có con thì đứa bé sinh ra có bị dị tật bẩm sinh hay không? Ông đã không thể trả lời vì đây là điều sợ hãi lớn nhất đối với ông, bởi ông biết rằng chất độc màu da cam có thể truyền sang thế hệ tiếp theo.
Ông Daniel J. Shea đã dành quãng đời còn lại để nỗ lực cho hoà bình và công lý theo nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, ông là Giám đốc “Tổ chức giáo dục không biên giới” và thành viên Hội Cựu binh vì Hoà bình (bang Oregon) của Mỹ. Ông đã có nhiều đóng góp đối với việc hàn gắn vết thương chiến tranh và đấu tranh đòi lại công bằng cho những nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin tại Việt Nam.
Có đi qua những năm tháng của chiến tranh, có chứng kiến nhiều sự đổ vỡ, có trải nghiệm sự mất mát, chia ly, mới có thể thấu cảm hết tính chất khốc liệt của sự huỷ hoại, sự đảo lộn của mọi trật tự, sự dằn xé của mọi nỗi đau mà chiến tranh mang lại. Để nhận ra những giá trị đích thực và cao quý của hai chữ hòa bình, hãy chung tay vì một thế giới hòa bình.
 
Bài: Mai Thị Huyền, phòng Giáo dục truyền thông

Chia sẻ:

Bình luận của bạn: