74 năm kể từ ngày được thành lập (19/8/1945 - 19/8/2019), dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng công an nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành và lớn mạnh. Trong chặng đường chiến đấu và trưởng thành ấy, các cán bộ, chiến sỹ của lực lượng công an nhân dân luôn tận tâm, tận lực để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Họ được nhân dân yêu mến, chở che và nhiều người đã trở thành “những vị tướng của lòng dân”.
Một sáng nắng nhẹ đầu thu, tôi có dịp đến thăm Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh tại ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể quận Thanh Xuân, Hà Nội. May mắn, tôi đã được Thiếu tướng kể cho nghe về quãng đời hoạt động điệp báo của mình trong thời gian chi viện vào An ninh Khu VI. Quãng đời binh nghiệp của ông như một minh chứng cho những cán bộ ưu tú đã cống hiến tuổi xuân, nhiệt huyết tuổi trẻ cho đất nước, cho cách mạng, được Bộ lựa chọn chi viện cho An ninh miền Nam thời bấy giờ .
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh lúc này là người Phụ trách điệp báo của An ninh khu, nên ông rất chú trọng đến lực lượng An ninh cơ sở. Ngoài những kinh nghiệm được Bộ trang bị và kiến thức trải qua thực tế ở miền Bắc, khi vào Khu VI, ông luôn quan tâm học hỏi kinh nghiệm từ anh em An ninh cơ sở.
Thời đó, lực lượng An ninh tại chỗ có các đội vũ trang công tác, mỗi đội từ 5-10 người, trong đó có một cán bộ chuyên trách công tác an ninh được phân công hoạt động trong 1-3 xã, đêm đêm đột nhập vào ấp chiến lược trong vùng địch chiếm đóng để nắm tình hình, xây dựng cơ sở. Ngoài lực lượng an ninh cơ sở đã quen mặt, người dân thường gọi cán bộ miền Bắc chi viện vào miền Nam là “cán bộ mùa thu”- ngụ ý là những cán bộ của cách mạng mùa thu tháng Tám nên hoàn toàn tin tưởng. Biết được đồng chí nào “cán bộ mùa thu”, người dân đều dốc lòng giúp đỡ.
Cứ 6 tháng, đồng chí Phụ trách điệp báo Nguyễn Đức Minh lại xuống bám địa bàn trọng điểm ở Phan Thiết để hướng dẫn giúp đỡ anh em làm điệp báo của tỉnh xây dựng cơ sở. Khi cơ sở cung cấp tài liệu, ông phải tìm cách đến hộp thư chết ở hốc đá, gốc cây để lấy tài liệu. Nhiều lần ông phải đột nhập vào vùng địch quản lý những khi đêm tối, nấp trong hầm trú ẩn để chờ lấy tài liệu từ cơ sở.
Do được phân công nắm 2 trọng điểm nên việc đi lại giữa vùng ven Phan Thiết, Bình Thuận rất gian khổ nguy hiểm, nhất là khi vượt qua quốc lộ 11, 20 vào ban đêm, nhiều lần ông bị địch phục kích suýt chết.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh (đứng thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng đội trong ngày họp mặt truyền thống an ninh khu VI
Thiếu tướng còn kể cho tôi những kỷ niệm sâu sắc về những tháng sống và chiến đấu cùng anh em, đồng đội. Vào Khu VI, anh em phải ăn sắn cả ngày, phát huy “hậu cần tại chỗ”, cán bộ chiến sỹ thường xuyên tăng gia trồng ngô, trồng sắn và hái rau rừng (lá bép) ăn qua ngày.
Có những lúc thiếu thốn, anh em vẫn buộc phải nhổ sắn nhiễm độc lên nấu ăn để cầm cự lấy sức. Tết năm 1966, cuộc họp Chi ủy cơ quan An ninh Khu đã ra quyết nghị, để động viên anh em, ngày mùng 1 Tết, cán bộ Khu VI được ăn 2 bữa cơm trắng. Bắt đầu từ tháng Chạp trở đi, khi mang tải, ngoài đủ số kilogam đeo theo người gồm quân trang, vũ khí, mắm, ruốc, thuốc men, mỗi người tự nguyện mang thêm 1kg gạo để có đủ gạo cho anh em ăn Tết.
Những câu chuyện của lịch sử, của thời đạn bom ác liệt, về bản lĩnh, trí tuệ của Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh, người thủ lĩnh vũ trang vẫn hiện hữu và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Hôm nay, thế hệ trẻ nguyện tiếp tục phát huy truyền thống, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đoàn kết một lòng, vượt qua gian khó, tích cực đóng góp trí tuệ, công sức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hòa bình, phát triển, để xứng đáng với sự hy sinh của lớp lớp cha anh.
Nguyễn Đức Trung
Phòng Giáo dục – Truyền thông