Học sinh trường Kelley School Of Business - trường Đại học thuộc bang Indiana, Bloomington, Mỹ đã có một buổi tham quan tìm hiểu lịch sử Việt Nam tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Nội dung trưng bày tại di tích đã chạm được đến trái tim mỗi bạn sinh viên về cuộc chiến tranh phi nghĩa kéo dài hơn một thế kỉ ở Việt Nam.
Thế hệ trẻ - những người được sống trong hòa bình chỉ được biết chiến tranh qua những câu chuyện kể lại, qua sách, ảnh, phim tư liệu,…song tất cả vẫn chưa thật sự đầy đủ và sâu sắc. Chuyến tham quan học tập tại di tích là cơ hội giúp các bạn sinh viên tìm hiểu lịch sử Việt Nam một cách trực quan, sinh động nhất thông qua các hiện vật trưng bày, giới thiệu của thuyết minh viên.
Hầu hết các bạn sinh viên chỉ biết đến Việt Nam là đất nước có vẻ đẹp của thiên nhiên kì thú và hùng vĩ, họ không biết nhiều về những cuộc chiến tranh tàn khốc đã xảy ra ở đất nước nhỏ bé này. Thông qua tiết học lịch sử của nhà trường, sinh viên chỉ có chút ít thông tin về cuộc kháng chiến chống Mỹ, không được nhắc nhiều đến cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài gần một thế kỉ của nhân dân Việt Nam.
Các bạn sinh viên tham quan phòng trưng bày về làng nghề Phụ Khánh,
nơi trước khi thực dân Pháp cho xây dựng nên nhà tù lớn, kiên cố,
hiện đại bậc nhất Đông Dương lúc bấy giờ
Sa bàn toàn cảnh Nhà tù Hỏa Lò trước kia với diện tích 12.908m2
Lắng nghe thuyết minh viên kể về cuộc vượt ngục qua đường cống ngầm diễn ra vào năm 1945, với hơn 100 tù chính trị đã trốn thoát, trong số đó có đồng chí Đỗ Mười - nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn còn sống. Có lẽ đây là câu chuyện để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho các bạn sinh viên. Họ đã có nhiều chia sẻ sau chuyến tham quan này:
“Chúng tôi thật sự không thể tưởng tượng nổi sau bao khó khăn, cuộc sống khắc nghiệt với chế độ giam cầm hà khắc như vậy mà vẫn có những con người thật kiên cường, anh dũng, một lòng nguyện cống hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng và họ vẫn có thể sống đến tận bây giờ. Thật đáng tự hào khi bạn là người Việt Nam!”
Là con người nhưng không được đối xử như người. Tôi nghĩ rằng chúng ta thật may mắn! “These people are such as the animals. We are very lucky! All love the peace!” (tạm dịch: “Con người bị đối xử như con vật. Chúng ta thật may mắn! Tất cả chúng ta yêu chuộng hòa bình!”).
Các bạn tập trung lắng nghe câu chuyện về cuộc sống của tù nhân
tại trại D - phòng giam nam tập thể lớn nhất tại Nhà tù Hỏa Lò
Máy chém - một dụng cụ xử tử hình tù nhân được thực dân Pháp cho là nhân đạo
Chiến tranh luôn mang lại sự đau thương, xót xa đến tận cùng. Sống giữa thế kỉ 21 nhưng chiến tranh vẫn đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra ở Trung Đông, thậm chí ngay tại nước Pháp xinh đẹp cũng không tránh khỏi các cuộc khủng bố đẫm máu. Trên thế giới đâu đó vẫn còn những đứa trẻ phải sống trong bom đạn, cuộc sống đói nghèo. Chắc hẳn thế giới cũng không quên hình ảnh một em bé “ngủ quên” giữa biển trên đường cùng cha mẹ di cư khỏi Trung Đông.
Tất cả chúng ta yêu hòa bình, ghét chiến tranh. Đúng vậy, sẽ luôn là như thế và chắc chắn là như vậy. Chiến tranh đã mang lại nỗi đau cho rất nhiều người, rất nhiều các chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống tại nơi đây, tên tuổi họ sẽ mãi được ghi tạc trên mảnh đất linh thiêng này. Nhà tù Hỏa Lò đã, đang và sẽ là tài liệu lịch sử chân thực nhất giúp thế hệ sau biết được sự hi sinh của thế hệ cha anh. Để từ đó, yêu hòa bình phản đối chiến tranh, giúp mỗi người thêm trân trọng những gì đang có đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trong học tập, công việc, chung tay xây dựng hòa bình cho thế giới.
Vũ Thúy Hà - Phòng Trưng bày Tuyên truyền