Phần 1: Sức sống diệu kỳ của những người cộng sản
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngay lập tức đã thổi luồng sinh khí mới vào các phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng. Tiêu biểu là Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Cao trào này đã làm cho thực dân Pháp hoảng sợ. Chúng thi hành một số chính sách khủng bố trắng rộng khắp và quyết liệt. Chỉ trong vòng 6 năm, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã bị bắt, hoặc bị hy sinh bởi chủ trương “cứ thủ tiêu càng nhiều càng tốt” của thực dân Pháp đối với những người cộng sản.
Năm 1936, Mặt trận Bình Dân Pháp do Đảng Cộng sản Pháp lãnh đạo lên cầm quyền ở chính quốc. Sự kiện đó đã ảnh hưởng đến chính sách cai trị của Pháp ở Việt Nam, buộc chúng phải trả lại tự do cho các chính trị phạm. Thế nhưng, đến tháng 9 năm 1939, Mặt trận Bình Dân ở Pháp tan rã. Chính phủ Daladier lên cầm quyền ngả về phía hữu, thi hành chính sách phản động khủng bố trắng lần nữa. Nhiều chiến sĩ cách mạng của Đảng ta lại bị bắt và bị đày ải vào các nhà tù như Hỏa Lò, Sơn La, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo... Cảnh tượng gông cùm, đánh đập, kìm kẹp của những năm 1930-1931 đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của các chiến sĩ.
Nhà tù Hoả Lò, Hà Nội
Còn nhớ, vào năm 1933, Tết Nguyên đán năm Quý Dậu, tại nhà tù Hỏa Lò, những người tù chính trị tổ chức những cuộc “chơi xuân” trong tù. Cũng như những cuộc chơi bên ngoài, có cờ tướng, ca kịch và cả... thơ. Dù rằng, tết nhà tù thực dân rất tàn bạo như sáng mồng 1 Tết, chúng vẫn bắt tù phải khiêng thùng phân đi đổ, và bữa ăn chỉ bế cái “lập là” đựng cơm hôi, cá thối, giống như cái chậu gỗ đựng cám heo. Anh em tù chính trị đã mở một cuộc thi thơ với đầu đề “Tết nhà pha” ở Hỏa Lò, lấy vần “pha”. Bài thơ được giải nhất trong cuộc thi thơ đó, có nhan đề “Tết nhà pha”: “Năm mới sang rồi, năm cũ qua/ Đời tù mới, cũ khéo phôi pha/ “Nghinh tân” lễ mễ khiêng “tynét”/ “Bái tế” lom khom bế “lập là”/ Mặt trái đời kia toàn mặt quỷ/ Trò chơi xuân đó thiếu “trò ma”/ Mùi đời nếm trải, ai sành sỏi?/ Có biết mùi này... mặn, nhạt a?”.
Nhà tù Côn Đảo
Côn Đảo, Tết Nguyên đán năm Tân Mùi (1931), dù biết bao gian khổ, truân chuyên, nhưng anh em tù vẫn tổ chức đón Tết. Và thơ Tết trong tù lại vang lên với khí thế sục sôi cách mạng và tinh thần lạc quan: “Nhà tù Côn Đảo buổi xuân sang/ Muôn trái tim căm lũ bạo tàn/ Chúc Tết: mưa roi đàn quỷ trút/ Đón Xuân: nổi nhạc nhịp xiềng vang/ Ca cơm sạn sỏi nhai thêm những.../ Miếng thịt cao su nuốt lại càng.../ Gian khổ sá chi đời cách mạng/ Còn xuân ắt hẳn có vinh quang” (Tết Côn Đảo-1931). Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng trong tù, anh em trong tù đấu tranh và bọn thực dân phải nhượng bộ để tù chính trị tổ chức Tết. Cũng có bài thơ “Tết Côn Đảo”, nhưng là Tết Côn Đảo năm 1936: “Nhà tù Côn Đảo Tết năm nay/ Chẳng rượu phông-ten cũng thấy say/ Tiệc kẹo đón xuân ba dãy chiếu/ Mét-tinh nổ pháo một tràng tay/ Quảng Châu kịch nói: anh em thú/ Quốc tế ca vang: lũ quỷ cay/ Thắng lợi đấu tranh là thế đấy/ Van xin đế quốc có ăn mày” (Nguyễn Văn Hoan).
(còn tiếp)
Nguyễn Thị Ý