Vào những ngày đầu Xuân mới 2017, lật giở những trang hồi ký của tập thể cựu tù chính trị từng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà lao Hỏa Lò, chúng tôi chợt giật mình khi nhìn thấy bức ảnh chụp số tù có hình chữ nhật được cắt vát 2 đầu phía trên, trên đó hiện lên con số VN 2017 - Đây chính là số tù của bác Dương Tự Minh, một học sinh kháng chiến Hà Nội từng bị thực dân Pháp giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò năm 1950 - 1953.
Bác Dương Tự Minh được sinh ra trong một gia đình trí thức ở Hà Nội, cha là giáo sư Dương Quảng Hàm - một nhà nghiên cứu văn học sử Việt Nam. Sau Cách mạng tháng Tám, cụ Dương Quảng Hàm được Chính phủ ta cử làm Thanh tra Trung học vụ, Hiệu trưởng Trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An).
Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, bác Dương Tự Minh đã tham gia vào Đội nhi đồng cứu quốc của khu phố. Không chỉ riêng bác, các anh chị em trong gia đình cũng đều tham gia vào các đoàn thể cách mạng. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, các anh chị em trong gia đình bác Dương Tự Minh lại tích cực tham gia kháng chiến. Bác Dương Tự Minh cùng một người chị gái tham gia Đoàn học sinh kháng chiến chống Pháp.
Học sinh kháng chiến Hà Nội tại lễ truy điệu Trần Văn Ơn
Năm học 1949 - 1950, Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội tổ chức bãi khóa rầm rộ, cũng như nhiều học sinh Hà Nội khác, bác Dương Tự Minh hăng hái tham gia. Phong trào phát triển mạnh và thu hút tất cả học sinh các trường cùng tham gia, đặc biệt còn lôi kéo được con em của các quan chức cao cấp, tướng tá ngụy, thậm chí cả con của Thị trưởng Hà Nội cũng tích cực tham gia khiến kẻ địch không dám thẳng tay đàn áp. Học sinh Hà Nội còn tổ chức Đại hội Văn nghệ ở Nhà hát Lớn Thành phố, họ công khai hát các bài ca kháng chiến như: Trường ca Sông Lô (Văn Cao); Tiếng chuông nhà thờ (Nguyễn Xuân Khoát)…
Dịp hè năm 1950, địch ra tay khủng bố phong trào, chúng bắt nhiều học sinh, tuy nhiên giam giữ một thời gian ngắn rồi lại thả, Bác Dương Tự Minh và chị gái cũng bị bắt nhưng sau khi được thả bác lại hoạt động tích cực hơn. Không chỉ tham gia các phong trào trong trường mac bác còn tham gia các phong trào ngoài nhà trường, được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Tích cực tham gia vào việc phát tán báo “Nhựa sống” (một tờ báo lưu hành trong khối học sinh, sinh viên Hà Nội) để giác ngộ thêm nhiều bạn học cùng tham gia.
Bác Dương Tự Minh tại Đại hội thanh niên và sinh viên thế giới 1955
Tháng 10/1952, Bác Dương Tự Minh bị địch bắt lần thứ 2, lần này bác cùng những người bạn bị bắt đã bị đưa về Sở Mật thám Hà Nội. Tại đây, anh chị em học sinh kháng chiến đều bị thẩm vấn, phải chịu những trận đòn tra tàn khốc của mật thám Pháp. Sau đó bị chuyển sang giam tại Nhà tù Hỏa Lò chờ đưa ra tòa án Quân sự xét xử theo lệnh của Nguyễn Hữu Trí - Thủ hiến Bắc Việt.
Sau khi bị khám xét kỹ lưỡng, mỗi người được phát một thẻ số tù bằng gỗ có in số khắc chìm, có dây luồn qua phía trên để đeo vào cổ. Thẻ của bác Dương Tự Minh mang số VN 2017, đây là một tấm thẻ đã cũ, mặt sau có vét khoét lõm xuống, có lẽ trước bác đã có những người phải mang cái thẻ này. Bác Dương Tự Minh tự hỏi “Không biết trước mình, ai là người mang tấm thẻ này, bây giờ người đó còn sống hay đã chết? Người đó đã làm gì để chiếc thẻ có vết lõm ở phía sau?” Chỉ biết rằng, sau bác Dương Tự Minh sẽ không còn ai phải đeo tấm thẻ đó nữa, bởi lẽ khi được ra tù bác đã giấu được và mang nó về làm kỷ niệm.
Thẻ tù của bác Dương Tự Minh
Tấm thẻ mang số hiệu VN 2017 đã được bác Dương Tự Minh trao tặng lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cách đây vài năm để nghiên cứu, phục vụ cho công tác trưng bày. Và rồi cũng vào những ngày đầu của năm mới 2017, Bác Dương Tự Minh lại được mời dự buổi trao tặng hiện vật từ phía gia đình cựu phi công Hoa Kỳ Walter Eugene Wilber cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò, thật là một sự trùng lặp đến không ngờ.
Những kỷ niệm về năm tháng tù đày trong nhà tù Hỏa Lò lại chợt ùa về trong Bác, một học sinh kháng chiến Thủ đô từng bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, một người thích lưu giữ lại những kỷ niệm cũ, chính vì vậy mà bác Dương Tự Minh đã giữ được những hiện vật quý giá, gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của mình giành tặng cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tiếp tục lưu giữ, bảo quản, trưng bày để phát huy tác dụng.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Sưu tầm và biên soạn