Qua các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay, cái tên Nhà lao Hỏa Lò được ghi nhận như một chứng tích tội ác lớn lao của thực dân Pháp. Nơi đây đã từng giam giữ những nhân vật yêu nước nổi tiếng trong các vụ Hà thành đầu độc, Đông kinh nghĩa thục, khởi nghĩa Yên Bái rồi đến những lãnh tụ cộng sản như Lê Duẩn, Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ v.v... Biết bao thế hệ người tù đã trải qua sự đọa đầy tại đây, có những người bị xử chém ngay cổng nhà lao Hỏa Lò như người thanh niên yêu nước 17 tuổi Nguyễn Hoàng Tôn. Chiếc máy chém đó hiện nay còn được lưu giữ tại Khu di tích Hỏa Lò.
Tất cả những sự hy sinh dũng cảm đó xứng đáng được tôn vinh và cách đây 6 năm (2011) Nhà nước đã phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho "Tập thể các chiến sỹ cách mạng bị đich bắt tù đầy tại nhà lao Hỏa Lò". Chỉ có điều là những người anh hùng nhất, hy sinh cả tính mạng của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước thì nay đã yên nghỉ dưới lòng đất mẹ, chỉ còn chúng tôi, thế hệ bị địch bắt giam khi hoạt động trong lòng Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp được vinh dự lên đón nhận danh hiệu đó. Thế hệ còn sót lại của quá khứ anh hùng đó nay đều có tuổi đời từ 83 đến trên 90.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân
cho Tập thể các chiến sỹ cách mạng bị đich bắt tù đầy tại nhà lao Hỏa Lò (1930 - 1954), ngày 29/4/2011
Thế hệ chúng tôi đã từng đau lòng chứng kiến cảnh người chết đói đầy phố phường Hà Nội năm 1945 rồi mê say với không khí độc lập tự do tự do khi Cách Mạng tháng 8 thành công. Khi thực dân Pháp quay trở lại, chúng tôi đã tham gia cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập non trẻ của Tổ quốc bằng tất cả trái tim và nhiệt huyết của tuổi trẻ. Rồi lúc không may bị xa vào tay địch, trược mọi sự tra tấn, đầy đọa của kẻ thù, tuy mức độ ác liệt có khác nhau nhưng tất cả đều đã vượt qua, nhưng không phản bội đồng đội, phản bội Tổ quốc. Tại nhà lao Hỏa Lò, chúng tôi sống trong tình yêu thương động viên nhau giữa các “bạn tù kháng chiến”. Cuộc sống lúc đó rất bình đẳng, tất cả đều ăn ngủ khổ cực như nhau, luôn luôn sát cánh bên nhau, cùng chia sẻ tâm tư, cùng nhau đối phó với bọn cai tù tàn bạo. Lúc đó tôi cảm thấy cái gọi là “ tình đồng chí” sao mà thiêng liêng đến như vậy! Những người kháng chiến chúng tôi vào thời gian này tuyệt đại đa số không phải là đảng viên. Chúng tôi bước vào hoạt động là vì tinh thần yêu nước, hy sinh đấu tranh cũng vì yêu nước. Nhưng chúng tôi tuyệt đối tin tưởng vào Bác Hồ và những lãnh tụ đang lãnh đạo cuộc đấu tranh thần thánh này. Nhiều anh chị em khi bị địch giết hại đều ra đi với tấm lòng thanh thản với ý nghĩ mình chết cho ngày mai tươi sáng của đất nước.
Sau ngày Thủ đô được giải phóng, Hỏa Lò không còn là nơi giam giữ tù chính trị chống Pháp nữa, những cựu tù lại trở về với cuộc sống đời thường và mỗi người đều có số phận của riêng mình.
Vào đầu thập niên 90 của thế kỷ vừa qua, sau khi về hưu, anh chị em chúng tôi mới có điều kiện rỗi rãi để tập hợp nhau lại trong một Ban Liên lạc những người tù chống Pháp bị giam giữ tại Hỏa Lò. Lúc này Nhà nước cũng bắt đầu có chế độ với những người bị địch bắt tù đầy giữ được phẩm chất cách mạng, không phản bội đất nước. Căn cứ vào lý lịch khai từ hồi sau giải phóng Thủ đô cùng với lời chứng nhận của hai bạn tù đã được xác minh lý lịch, chúng tôi được trao tặng một Kỷ niệm chương và bằng chứng nhận là "Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đầy". Việc này chỉ có ý nghĩa tinh thần nhưng cũng là sự động viên lớn và là sự ghi nhận của đất nước khi chúng tôi đã bước vào tuổi lên lão. Rồi cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, các chế độ về vật chất cũng dần hình thành mà cao nhất là cách đây 4 năm, anh chị em cựu tù đã được hưởng chế độ phụ cấp gần bằng thương binh. Chỉ thương cho những anh chị em đã mất trước đây không được hưởng sự vinh quang và những chế độ này. Cả một thế hệ mà nay chúng tôi chỉ còn hơn một trăm người, và rồi mỗi năm đều có hàng chục cụ ra đi.
Lúc mới thành lập Ban Liên lạc chúng tôi động viên nhau viết Hồi ký. Những kỷ niệm cũ được ôn lại, có nhiều chuyện thấm đẫm máu và nước mắt. Rất nhiều người kể về sự tra tấn tàn bạo của kẻ địch hoặc những cuộc đấu tranh trong tù. Nhưng cũng có những câu chuyện ngỡ cứ như là tiểu thuyết. Một anh bị địch xử án tử hình (sau giảm xuống chung thân) bị giam ở Hỏa Lò, người yêu đi thăm nuôi ròng rã suốt thời địch tạm chiếm. Anh thương chị, khuyên chị đừng gắn bó với mình nữa kẻo uổng phí cuộc đời nhưng chị không nghe. Sau chúng bí mật chuyển anh đi trại giam khác nên hai người mất liên lạc với nhau. Đến khi Thủ đô được giải phóng, anh đi tìm chị ròng rã hàng năm trời mà không thấy, lại nghe có người khẳng định là đã trông thấy chị đã đi Nam. Gia đình ép anh lấy vợ, nhưng vừa cưới xong được khoảng mươi ngày thì hai người tình cờ gặp nhau. Chị mừng là anh còn sống, mừng cho việc nối lại mối tình xưa. Nhưng anh biết nói sao đây, lúc này chỉ còn biết ôm nhau mà khóc. Rồi cái bi kịch ấy còn ám ảnh anh suốt cuộc đời vì sau đó chị lại gặp thêm nhiều bất hạnh và mất sớm. Tôi tham gia ban biên tập cuốn Hồi ký và nhiều lần thấy lòng mình vô cùng xúc động. Rồi khi đọc hồi ký của một chị học sinh nội thành tham gia đội võ trang tuyên truyền khu Văn Miếu, hoạt động rất dũng cảm, ba lần bị địch bắt, lần cuối bị giam tại Hỏa Lò. Chị được địch thả trong đợt trao đổi tù binh tại Việt Trì sau hiệp định Giơ-ne-vơ. Chị có trình độ văn hóa nên bài viết rất hay nhưng tôi băn khoăn với việc chị kể lại là trong buổi liên hoan mừng tự do tại rừng cấm Phú Thọ, chị được mặc bộ quần áo nâu rộng thùng thình, lại cắt tóc ngắn, nên đồng đội gọi đùa là "ni cô" rồi chị kết luận bằng câu: "Đâu ngờ sắc thiền thầm lặng và chịu đựng ngày ấy lại đeo đẳng tôi đến tận cùng như một tiền định". Mãi về sau, một bạn tù mới tiết lộ bí mật với tôi là khi chị bị bọn Bảo chính đoàn bắt giữ, chị đã bị bọn chúng làm nhục nhiều lần dù chưa đến tuổi trưởng thành. Có lẽ vì cú sốc đầu đời đó nên chị đã sống độc thân suốt đời. Và tôi cũng lại hiểu thêm một câu viết bỏ lửng trong hồi ký của chị với 3 dấu chấm ...: "Đến lúc này chúng tôi (chị bị bắt cùng hai chị em khác) chỉ còn biết ôm lấy nhau, nhắc nhau cùng tự bảo vệ và sẵn sàng chịu đựng... "Tôi đã gặp chị nói chuyện mấy lần nhưng không dám đề cập đến nỗi đau này. Chị sống lặng lẽ, âm thầm suốt cuộc đời và nay cũng đã ra đi.
Còn những người đã hy sinh trong thế hệ chúng tôi, tôi muốn nhắc đến anh Phạm Hướng, người có công đầu trong việc xây dựng và lãnh đạo phong trào Học sinh, Sinh viên kháng chiến chống Pháp. Anh là người thành lập và chỉ đạo tất cả các đầu mối Học sinh Kháng chiến trong các trường Hà Nội. Khi bọn mật thám bắt được anh, chúng tra tấn anh rất dã man, trói chặt hai cổ tay, treo lên nhiều ngày. Chỗ tay trói bị dây thít chặt, lõm sâu, đen như thịt thối. Nhưng anh vẫn kiên cường không khai báo một lời nào làm lộ các cơ sở của mình. Cuối cùng chúng đem anh sang giam ở hầm tối Hỏa Lò. Và đây là lời kể của anh Ngô Hùng Hậu, Quận đội trưởng biệt động nội thành Hà Nội lúc đó ở cùng trại giam: “Khi chúng tôi đang trong giờ ra sân thì tên gác-điêng dẫn một người vào. Người anh gầy gò, vai dô lên, mắt lồi và sếch nom ghê rợn. Má hóp, lưng đi hơi còng còng. Hai tay cứng đờ, duỗi thẳng. Anh lê bước đi vào. Nom thấy tôi, anh hơi hếch mép cười. Tôi không nhận ra anh là ai cả. Khi tên gác-điêng vừa đi khỏi, anh lại gần tôi khẽ hỏi: "Hùng Hậu phải không?" Nghe vậy tôi giật mình chưa hiểu anh là ai thì anh đã nói tiếp: "Tư Koóng đây, cậu quên mình rồi sao? " (Tư Koóng là tên hoạt động bí mật của anh) Anh Tư Koóng! Thật tôi không ngờ người đứng trước mặt tôi lại là anh Tư Koóng! Sự dã man, tàn bạo của đế quốc đã biến người bạn mạnh khoẻ, gân guốc của tôi trước kia thành ra một người lưng còng, má hóp, tiều tuỵ, yếu đuối như ngày nay. Thông cảm nỗi đau khổ của đồng chí mình, tôi ôm chầm lấy anh. Anh không ôm tôi vì tay anh không dơ lên được nữa mà anh áp vào má tôi. Đến bữa ăn, anh không cầm đũa được nên phải dùng thìa, xúc cơm vào mồm như đứa trẻ mới tập ăn. Thường thường chúng tôi cứ phải gắp rau cuộn vào thìa cho anh ăn... ".
Đồng chí Phạm Hướng (Tư Koóng)
Ngày 1/5/1950, địch đưa anh ra tòa án xử. Vốn là cựu học sinh trường Bưởi giỏi tiếng Pháp nên anh dùng tiếng Pháp cãi lý với bọn quan tòa rất hùng hồn. Sau đó chúng đầy anh ra Côn Đảo cùng 54 tù chính trị khác. Đây là đoàn tù đầu tiên chúng chuyển ra Côn Đảo trong thời gian kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, anh cùng một số bạn tù vượt Côn Đảo nhưng chết giữa biển khơi. Anh là một trong những người của thế hệ chúng tôi đã hy sinh anh dũng trong chế độ nhà tù của đế quốc.
Còn chúng tôi, những người may mắn được trở về và gặp nhau vào lúc tuổi già thì nay thân phận từng người cũng đã trở nên rất khác nhau. Khi xưa, trong ngục tù của kẻ địch, sự bình đẳng là tuyệt đối, tất cả đều "trần trụi trước bầy sói". Bây giờ có người đã là cán bộ hưu trí cấp cao, lên tới hàm Vụ trưởng, Thứ trưởng, Đại tá, Thiếu tướng... Một số người rất giàu sang, nhưng cũng có một số anh chị em đến nay vẫn đang phải vật lộn với cuộc sống nghèo khó, phải làm việc giúp con cái như bán hàng, trông cháu. Tuy thế khi gặp lại nhau những người có thành tích đấu tranh anh dũng trong tù, những người bị địch kết án nặng như tử tù, chung thân bao giờ cũng được kính trọng nhất. Ban Liên lạc thường trích quỹ để trợ cấp khó khăn đột xuất cho các anh chị em thuộc diện nghèo và can thiệp với chính quyền cấp Phường chăm lo đời sống cho anh chị em. Nhưng những việc đó không thể thay đổi được hoàn cảnh của họ. Dù vậy, cũng phải thấy rằng khi Nhà nước ghi nhận công lao của các cựu tù chính trị chống đế quốc tuy không có nhiều lợi ích vật chất nhưng lại có giá trị rất lớn về tinh thần nhất là đối với những anh chị em không phải là cán bộ, đảng viên. Tôi có anh bạn thân cùng học một lớp, cùng tham gia phong trào Học sinh sinh viên kháng chiến rồi cùng bị bắt và giam giữ tại Hỏa Lò. Khi Hà Nội được giải phóng, số phận mỗi người đi theo một con đường khác nhau. Tôi đi công tác và tiêp tục thăng tiến trong nghề nghiệp của mình. Nhưng anh bạn tôi có gia đình là "công giáo toàn tòng", hai anh trai đi lính ngụy, nay tất cả đã đi Nam chỉ còn một mình anh ở lại. Lý lịch như vậy nên lúc đó rất khó xin vào làm tại các cơ quan nhà nước. May được sự giúp đỡ của đồng chí Bí thư Chi bộ trường Chu Văn An, anh cũng có được việc tại văn phòng trường Đại học Bách Khoa. Sau đó, anh học hàm thụ rồi trở thành Kỹ sư, tiếp tục công tác tại Văn phòng đó cho đến lúc về hưu. Anh sống lặng lẽ, không bao giờ nhắc lại thời trai trẻ dũng cảm ném truyền đơn chống địch bắt lính ngay tại cổng trụ sở Bảo Chính Đoàn đầy kẻ thù, lại càng không bao giờ nhắc đến gần hai năm tù Hỏa Lò. Có lẽ suốt đời anh chỉ là một dân thường nếu Nhà nước không có cái chủ trương tặng thưởng Kỷ niệm chương cho những người bị địch bắt tù đầy. Từ đó, gia đình anh rất hân hoan khi thỉnh thoảng thấy anh lại được mời dự các cuộc họp của Quận, của Thành phố, được nhận quà tặng trong các dịp lễ, Tết. Một số anh chị em cựu tù khác thuộc loại "phó thường dân" nay cũng có niềm vui như vậy.
Những cuộc họp mặt cuối đời của những người tù chính trị năm xưa luôn đem lại cho chúng tôi nhiều sự phấn khích. Cứ khoảng vài ba năm, Ban Liên lạc lại tổ chức cuộc gặp măt toàn thể hội viên và lần nào cũng được các vị đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thành phố Hà Nội tới cùng dự rồi tặng quà. Đây là dịp để chúng tôi thăm hỏi sức khỏe của nhau và ôn lại chuyện cũ, tình cảm vô cùng ấm áp. Chúng tôi cũng rất vui mừng khi thấy Khu di tích Hỏa Lò nay đã trở thành một loại Bảo Tàng xếp hàng đầu trong việc thu hút khách tham quan nhất là khách du lịch nước ngoài. Ban Quản lý khu di tích còn rất năng động, tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ của thế hệ trẻ hiện nay với các cựu tù Hỏa Lò để giáo dục truyền thống yêu nước.
Thế hệ chúng tôi nay tuổi đã cao nhưng lúc nào cũng nghĩ tới vận mệnh của Tổ Quốc. Tuy còn nhiều trăn trở nhưng chúng tôi vẫn luôn tin tưởng về một tương lai tươi sáng của đất nước.
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sỹ, tôi viết với tư cách cá nhân những dòng cảm nghĩ này để tri ân với những "bạn tù" của thế hệ chúng tôi, thế hệ sau cùng của nhà lao Hỏa Lò, nhà lao Trung tâm (Maison centrale) của chế độ thực dân Pháp.
Dương Tự Minh
Phó Trưởng ban Liên lạc các CSCM bị đich bắt tù đầy tại nhà lao Hỏa Lò