Thượng tướng Song Hào, người con của quê hương Nam Định anh hùng, người cộng sản kiên trung mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trải qua gần 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, được rèn luyện, thử thách qua các chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Thượng tướng Song Hào (1917-2004), tên thật là Nguyễn Văn Khương, sinh ra và lớn lên ở làng Trung Nghĩa, xã Hào Kiệt (nay là xã Liên Minh), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng.
Năm 1936, khi mới 19 tuổi đồng chí tham gia các tổ chức: Thanh niên dân chủ, Hội Tương tế, Hội Truyền bá chữ quốc ngữ... Tháng 4-1939, đồng chí được kết nạp Đảng và cử làm Bí thư Chi bộ xã Hào Kiệt, một Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên của huyện Vụ Bản, đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng của xã phát triển mạnh mẽ. Đồng chí đã phân công đảng viên trong chi bộ tuyên truyền đấu tranh đòi thực hiện các quyền dân sinh, dân chủ, chống phát xít, chống chiến tranh; chỉ đạo đoàn thanh niên dân chủ treo cờ Đảng, rải truyền đơn dọc đường 10 sang cả các địa phương vùng lân cận.
Đồng chí Song Hào khi bị thực dân Pháp bắt giam trong nhà tù thực dân
Tháng 4-1940, đồng chí Song Hào bị thực dân Pháp bắt, tra tấn dã man, nhưng đồng chí kiên quyết không khai nhận. Sau đó bị kết án 7 năm tù, lần lượt giam trong các nhà tù: Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La, Hòa Bình, Chợ Chu. Trong tù đồng chí cùng các bạn tù kiên cường đấu tranh, tỏ rõ ý chí bất khuất, khí phách hiên ngang trước tòa án của đế quốc, thực dân.
Tháng 10-1944, với khao khát trở về với dân với Đảng, đồng chí đã vượt ngục thành công tại nhà tù Chợ Chu, Thái Nguyên.
Trong cuốn sách Thượng tướng Song Hào, Hồi ký và tác phẩm, đồng chí Song Hào đã viết: “Phải vượt ngục! Phải tìm cách thoát khỏi tay giặc để hoạt động!... Đêm mùa thu ở đây đã chớm lạnh. Nhưng trong cái “đêm giao thừa vượt ngục ấy”, lòng chúng tôi vô cùng ấm áp. Hầu như không có một đồng chí nào ngủ được, biết bao niềm sung sướng, mừng vui, hy vọng xốn xang, khó tả; cố nhiên cũng xen lẫn cả sự lo lắng bồi hồi. Mỗi người chúng tôi biết trách nhiệm của mình nặng lắm. Không thận trọng, không tỉnh táo, không quyết tâm, kế hoạch bị vỡ thì tất cả mọi đồng chí sẽ bị mất đầu với địch…”.
Các đồng chí cùng tham gia cuộc vượt ngục tại Nhà tù Chợ Chu năm 1944
(Đồng chí Song Hào, thư ba từ phải sang)
Từ tháng 7-1947, đồng chí Song Hào được Trung ương Đảng điều vào quân đội, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đồng chí lần lượt đảm nhiệm các cương vị: Chính trị ủy viên Khu 10, Chính trị ủy viên Liên khu 10, Chính ủy Mặt trận Tây Bắc, Bí thư Ban Cán sự Lào Bắc, Chính ủy Chiến dịch Lê Hồng Phong 1 và Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 308...
Bộ chỉ huy Mặt trận Trị - Thiên, hướng chiến lược chủ yếu của cuộc tiến công chiến lược năm 1972
(Đồng chí Song Hào - người thứ ba, hàng trước từ phải sang)
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đồng chí lần lượt giữ các cương vị: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, ủy viên Tổng Quân ủy (1955-1961); Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (1961-1977), Phó Bí thư Quân ủy Trung ương (1961-1976); Chính ủy Chiến dịch Trị - Thiên (1972). Cuối năm 1976, đồng chí được Đảng phân công làm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương. Tiếp đó, giữ chức Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội (1982-1987). Từ tháng 2 - 1990 đến tháng 12 - 1992, đồng chí được Ban Bí thư Trung ương Đảng cử làm Chủ tịch lâm thời Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, trên cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng chí Song Hào - Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị đi kiểm tra Quân khu Trị Thiên, năm 1973
(Đồng chí Song Hào thứ nhất, hàng ngồi bên phải)
Đồng chí Song Hào được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, nhì, ba, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí được phong hàm Trung tướng năm 1959, Thượng tướng năm 1974.
Đồng chí Song Hào cùng Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh
chỉ đạo Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định
(Đồng chí Song Hào, thứ ba từ phải sang)
Trên các cương vị công tác, dù ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào đồng chí Song Hào đều một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu, Sưu tầm