Những ngày này, trên khắp các con phố của Thủ đô, cờ hoa, băng rôn, khẩu hiệu... được trang hoàng tạo nên cảnh sắc rực rỡ cho Hà Nội trong dịp kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, chúng ta lại không khỏi bồi hồi tưởng nhớ về những người góp phần làm nên thắng lợi diệu kỳ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Đồng chí Trương Đình Dần (1910 - 2006), quê xã Quỳnh Lưu, Nho Quan, Ninh Bình, đồng chí thuộc lớp đảng viên thời kỳ đầu của Đảng; từng giữ những trọng trách: Bí thư chi bộ mỏ Tuyên Quang; Bí thư Ban cán sự Tỉnh Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang; Xứ ủy viên Bắc Kỳ và cũng từng là tù chính trị bị thực dân Pháp bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò…
Là cán bộ hoạt động lúc bí mật, lúc công khai từ những năm 1925 - 1926. Sau một vụ khủng bố, bắt bớ tràn lan ở Ninh Bình, đồng chí Trương Đình Dần bị bắt. Thực dân Pháp đã đưa đồng chí cùng hơn 30 người ra xử án. Đồng loạt anh em đều chống án lên tòa Thượng thẩm Hà Nội. Anh em đã liên hệ được với một nhóm luật sư người Pháp tiến bộ có chân trong đảng Xã hội Pháp ở Việt Nam. Nhóm luật sư người Pháp lấy lý do: Chính phủ mới ra sắc lệnh “cấm hoạt động chính trị ở Đông Dương” vào đêm 29/9/1939 mà sáng 30/9/1939 ở Đông Dương, các ông đã khám xét, bắt bớ thì ai tránh được!”. Nên tòa Thượng thẩm đã tha bổng cả vụ án này. Nhưng, sau đó chỉ trong vài tháng, tất cả lại bị bắt đi “căng” (trại tập trung), bị đuổi khỏi quê hương (biệt cố hương).
Những người mang án “biệt cố hương” sẽ không được ở lại quê quán, phải chuyển tới một số tỉnh, địa phận như biên giới, khu quân quản, gần đồn lính tây, lính khố xanh. “Biệt cố hương” đến nơi nào được ở thì người đó phải tự kiếm sống và phải chịu sự quản thúc của chính quyền sở tại. Điều đó đồng nghĩa với việc, đồng chí Trương Đình Dần tạm thời phải rời quê hương yêu dấu để tiếp tục sự nghiệp cách mạng.
Trong quá trình hoạt động, đồng chí Trương Đình Dần bị bắt giam ở Nhà tù Hỏa Lò từ năm 1943 đến tháng 3/1945, đồng chí đã tham gia vào cuộc vượt ngục Hỏa Lò. Ở trong tù, đồng chí được phân công làm công tác địch vận, nghĩa là vận động quân địch đứng về phía cách mạng, đồng chí đã rất thành công khi đã cảm hóa được một số tên khiến chúng bày tỏ sự cảm phục những người cách mạng Việt Nam. Đến nay, tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, tên tuổi, quá trình hoạt động của đồng chí Trương Đình Dần đã được lưu ở phòng ghi danh.
Cụ Trương Đình Dần cùng con trai tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò
Đồng chí Trương Đình Dần nhớ lại: “Cái Tết 1945, chúng tôi ăn tết trong tù khá to, đánh giá tình hình, luôn hy vọng có sự biến lớn xảy ra. Đúng như dự báo, Nhật đảo chính Pháp. Hôm đó ở trong tù, sau bữa cơm chiều, nghe tiếng biểu tình của quảng đại quần chúng ngoài phố, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Đả đảo đế quốc Pháp”... Những chính trị phạm ở đây vô cùng hồi hộp và nóng lòng, cả đêm anh em không ngủ bàn luận xôn xao, thông báo cho nhau những thông tin bằng ký hiệu mooc-xơ”.
Lúc này quân Nhật thay bọn Pháp canh giữ nhà tù. Ngay trong đêm, cấp ủy phổ biến chủ trương nắm bắt thời cơ, tìm mọi cách vượt ngục trở về với phong trào. Ngày 10-3, lợi dụng sự sơ hở của bọn Nhật mới thay việc canh gác, một số đảng viên cốt cán của ta đã vượt ngục ra ngoài thành công bằng cách bện chăn làm thang vượt tường rào dây thép gai. Đây là việc làm chưa bao giờ xảy ra ở Nhà lao Hỏa Lò. Tuy nhiên anh em cũng thấy rằng nếu tiếp tục vượt ngục bằng phương án trên thì chỉ được một số ít người, thứ hai rất dễ bị bại lộ. Mọi người tìm phương án đào tường. Đồng chí Trương Đình Dần được phân công tìm mấy anh tù thường phạm nhờ kiếm cho một thanh sắt. Trên đường trở về, khi đi ngang qua nhà phát thuốc, bất ngờ đồng chí Dần phát hiện một chiếc miệng cống khá lớn. Suy nghĩ lóe trong đầu đồng chí, “có nắp cống ắt có lối ra”. Đồng chí báo cáo lại với anh em phụ trách. Để trinh sát được đường cống này là cả một kế hoạch đầy mạo hiểm và mưu trí, khiến mọi người phải suy nghĩ rất mung lung. Cuối cùng một diệu kế được áp dụng: Hôm đó cùng với việc kéo đến xin thuốc, anh em ta mang chăn trải lên nắp cống giả vờ bắt rận. Trong khi đó, có hai người được cử chui xuống cống đi thám thính, đó chính là đồng chí Nguyễn Huy Hòa và Trần Văn Cử. Mỗi người khi đi mang theo một bao diêm và một mẩu nến. Hơn một giờ sau họ lên và thông báo đã tìm được cửa cống phía ngoài nhà lao.
Lúc đó chính trị phạm ở Hỏa Lò khá đông nhưng với phương án thoát bằng đường cống, tổ chức Đảng trong tù chủ trương để những đồng chí có sức khỏe và có mức án từ 5 năm trở lên thoát ra trước, có lợi hơn cho phong trào. Mỗi đồng chí chuẩn bị vượt ngục được phát 2 đồng tiền Đông Dương, từ nguồn quỹ của tổ chức, làm lộ phí (đây là số tiền khá lớn, lúc đó mỗi đồng Đông Dương đong được 10 thùng thóc).
Ngay tối ngày hôm sau, khoảng 19 giờ, rất may là toàn nhà lao mất điện, anh em thực hiện phương án, mở cửa trại giam tiến về phía cửa cống sân trại J. Đồng chí Trần Tử Bình và đồng chí Lê Tất Đắc (sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ) được phân công đi trước bật mở cửa cống. Đồng chí Trương Đình Dần và Phan Lang đi sau cùng, đóng lại nắp cống. Chỉ sau khoảng một giờ, hàng chục tù nhân đã chui xuống cửa cống thoát ra phía ngoài tới khu vực vườn hoa nhỏ. Lên khỏi miệng cống anh em thay quần áo và hòa vào dòng người trên đường phố, trở về nhà người thân hoặc cơ sở ở các địa phương. Sau này, trong các tài liệu cách mạng, lịch sử đảng bộ nhiều địa phương đều cho thấy số cán bộ, đảng viên này khi trở về đã nhanh chóng tham gia lãnh đạo phong trào, kịp thời chớp thời cơ phát động quần chúng tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở các địa phương. Đúng như lời chia sẻ hóm hỉnh của đồng chí Trương Đình Dần sau này: “Chúng tôi vượt ngục để lãnh đạo cướp chính quyền”.
Đồng chí Trương Đình Dần cùng đồng chí Phan Lang được Xứ ủy cử gấp lên Hòa Bình. Hai đồng chí cùng 3 đảng viên khác thành lập Ban Cán sự Đảng đầu tiên của tỉnh. 5 người trong Ban Cán sự Đảng đã lãnh đạo phong trào, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền thắng lợi ở Hòa Bình. Sau này đồng chí trở thành Ủy viên Thường vụ, phụ trách chính quyền của tỉnh.
Cụ Trương Đình Dần xem lại hiện vật của những ngày khởi nghĩa
giành chính quyền tháng 8-1945 đang được trưng bày tại bảo tàng
Trong cuốn “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hòa Bình (tập 1), 1929 - 1954”, do Tỉnh ủy Hòa Bình xuất bản năm 1993, trang 119 có đoạn viết: “Chiều ngày 20 tháng Tám năm 1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân Châu đường (châu Lạc Sơn). Đồng chí Trương Đình Dần đại diện Ban chỉ huy khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai phát xít, thành lập chính quyền cách mạng, hô hào nhân dân đoàn kết ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền nhân dân, tiếp tục tiến lên giành chính quyền trong toàn tỉnh”.
Ông Trương Quốc Khánh giới thiệu những phần thưởng cao quý
của người cha Trương Đình Dần được ông treo trang trọng trong phòng khách
Có thể nói, cả cuộc đời của đồng chí Trương Đình Dần đã được tôi luyện trong mọi hoàn cảnh công tác và ở nhiệm vụ nào đồng chí cũng thể hiện rõ là người cán bộ cách mạng kiên trung. Với những cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, năm 1984 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Nhất; Năm 2005, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; được nhận Huy hiệu 50; 60; 70 và năm 2013 đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng truy tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
Đồng chí Trương Đình Dần cùng với đồng chí Nguyễn Tuân, cựu tù chính trị Hỏa Lò, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Năng lượng còn dự định viết chung một cuốn sách nói về những sự kiện đã xảy ra trong Nhà tù Hỏa Lò, đặc biệt là những sự kiện liên quan tới cuộc vượt ngục lịch sử tháng 3/1945, tuy nhiên dự định đó chưa kịp thực hiện thì cả hai người bạn tù năm xưa đã phải dời xa cõi tạm…
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Tổng hợp và biên soạn