Năm 1950, Hà Nội lúc đó đang là sào huyệt đầu não của kẻ thù, quân đội Pháp đang ra sức bắt bớ những người kháng chiến, hòng đặt ách thống trị lên đất nước ta một lần nữa. Các trại giam như Hỏa Lò, Nhà tiền, Thanh Liệt đều đầy ắp tù nhân.
Còn ở bên ngoài, dân chúng Hà Nội tuy sống dưới ách thống trị của quân xâm lược nhưng lòng dân ai cũng hướng về vùng tự do, nơi Bác Hồ kính yêu đang lãnh đạo cuộc Trường kỳ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập của nước nhà. Mọi người hãy còn in đậm trong ký ức những ngày sống say sưa trong bầu không khí Độc lập, Tự do mà Cách mạng tháng Tám đem lại, mới chỉ cách đó có 4 năm. Lúc này, phong trào đấu tranh chống quân Pháp của nhân dân nội thành Hà Nội đang trong giai đoạn cao trào. Thanh thiếu niên học sinh các trường Hà Nội đồng loạt bãi khóa, diễu hành phản đối việc bắt bớ, giết hại học sinh. Tiểu thương chợ Đồng Xuân và công nhân một số xí nghiệp cũng tiến hành nhiều cuộc đấu tranh. Các nhân sỹ trí thức Hà Nội như Hoàng Xuân Hãn, Trần Văn Lai v.v... bất hợp tác với bọn ngụy quyền nên bị chúng gọi là đám trí thức "trùm chăn". Cũng thời gian này, linh mục Bửu Dưỡng lập ra Hội Cấp tế nạn nhân chiến tranh để làm những việc từ thiện. Cũng không ai hiểu mục đích sâu sa của vị linh mục này là gì nhưng những người yêu nước có thể lợi dụng tổ chức này trong một số hoạt động. Khi hội Cấp tế nạn nhân chiến tranh đề ra chủ trương đi thăm, tặng quà cho các tù nhân ở các trại giam của Pháp ở Hà Nội thì có khá nhiều nhân sỹ, trí thức Hà Nội xin cùng tham gia. Tổ chức Học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội cũng cử người tham gia. Đó là các anh Thụ, Nghị, Phi Hiển, Long, Khánh, Đình Minh, Tiến Hải. Mẹ tôi, cụ bà Dương Quảng Hàm, cũng có mặt trong đoàn nhân sỹ, trí thức.
Đoàn nhân sĩ, trí thức và học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội
vào thăm và tặng quà cho tù nhân Nhà tù Hỏa Lò
Khi vào đến Hỏa Lò để trao quà Tết, các tù nhân kháng chiến tỏ ra rất lạnh lùng vì nghi đây là đoàn tay sai của kẻ địch. Mọi người còn đang lúng túng thì mấy Học sinh kháng chiến đã có sáng kiến phá tan bầu không khí nặng nề đó. Sau khi hội ý nhanh, anh Phi Hiển bắt nhịp, anh Trần Văn Thụ kéo đàn, tất cả cùng hát vang một số bài hát kháng chiến quen thuộc. Không khí gặp gỡ trở nên thân mật hẳn, các anh em tù nhân kháng chiến đã chịu nhận quà của đoàn đưa vào.
Khi vào đến ngục tử hình của một anh tù kháng chiến bị giam đơn độc tại đó (mà đến nay mọi người vẫn còn chưa biết tên anh), anh cũng tỏ thái độ bất hợp tác. Khi được hỏi có nguyện vọng gì không, anh trả lời ngay với giọng kiêu hãnh: Tôi muốn nghe bài “Tiến Quân ca”! Một thoáng im lặng. Thế rồi, trước mặt tên Tây cai ngục, anh Trần Văn Thụ đã nâng cây đàn violon của mình lên trình diễn bài này. Tiếng đàn réo rắt như thôi thúc lòng người. Anh tử tù cũng lặng lẽ nghe. Có lẽ lúc này trong lòng anh đang ngập tràn khí thế của "Đoàn quân Việt Nam chung lòng cứu quốc", mà sự hy sinh của cá nhân anh chỉ là một viên đá nhỏ đắp xây nền Độc lập của Tổ quốc.
Anh Trần Văn Thụ
Hình ảnh anh hùng của người tử tù và hành động dũng cảm của anh Trần Văn Thụ sau đó đã được những người trực tiếp tham dự kể lại cho bạn bè nghe. Tiếng Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vang lên trong ngục tử tù của nhà lao Hỏa Lò trong lúc toàn dân đang kháng chiến cứu nước. Sự kiện đặc biệt này cũng đã được ghi lại trong sách Kỷ yếu của Ban liên lạc Học sinh Sinh viên kháng chiến chống Pháp Hà Nội (1947-1954).
Có thể đây chỉ là một câu chuyện nhỏ so với nhiều sự kiện khác nhưng nó cũng đã góp thêm phần vẻ vang cho truyền thống đấu tranh của các thế hệ yêu nước trong nhà lao Hỏa Lò, một nhà lao nổi tiếng tàn bạo của đế quốc Pháp.
Dương Tự Minh
Phó ban Liên lạc HSSV kháng chiến chống Pháp (1947-1954),
cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.