Tin tức– Sự kiện
03/09/2017 16:08 03/09/2017 16:08 2903
Người tù chính trị năm xưa (phần 1)
Phần 1: Ký ức một thời
Từng phải chịu vô số những đòn tra tấn dã man của kẻ địch, người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn luôn giữ ý chí sắt son, kiên định với lý tưởng mà mình đã chọn. Trở về từ “địa ngục trần gian”, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Văn Kha tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng, góp sức lớn cho sự thành công của khởi nghĩa Tháng Tám. Từng được cử giữ cương vị: Cục trưởng Cục Thống kê Trung ương; Ủy viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Bộ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Cơ khí và Luyện kim.
Đồng chí Nguyễn Văn Kha sinh năm 1922, là con út trong gia đình có 7 anh em (5 trai và 2 gái) nên ngay từ nhỏ đồng chí được gia đình tạo điều kiện ăn học đầy đủ. Năm 1937, đồng chí gia nhập đoàn Thanh niên Dân chủ ở quê nhà và tham gia cuộc vận động bầu cử đại biểu của Mặt trận Bình dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Kha sớm hiểu được nỗi khổ của người dân mất nước, tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 15-6-1941, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng đầu tiên trong cuộc đời của đồng chí
Ngày 6-1-1942, Thanh niên Cứu quốc trường Thăng Long chuẩn bị kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí Nguyễn Văn Kha nhận nhiệm vụ rải truyền đơn trên đường phố thì bị mật thám Hà Nội, theo dõi và bắt đưa về Sở Mật thám. Địch đã dùng nhiều đòn tra tấn hiểm độc để lấy lời khai của đồng chí, nhưng với ý chí kiên cường của người cộng sản, đồng chí Nguyễn Văn Kha một mực không khai điều gì. Sau đó, đồng chí Nguyễn Văn Kha bị Tòa án binh Pháp kết án 15 năm khổ sai, giam tại Nhà tù Hoả Lò - Hà Nội.
Trong tù, đồng chí Trần Đăng Ninh và Lê Tất Đắc có mở lớp học Cách mạng dân tộc giải phóng, Cách mạng tư sản dân quyền, theo các trình độ Sơ học, Trung học, Cao học. Đồng chí Kha là một trong những học viên khá giỏi trong lớp. Sau này đồng chí Kha được phân công giảng dạy cho các lớp học sau.
 
 
Nhà tù Hỏa Lò, nơi giam giữ đồng chí Nguyễn Văn Kha, năm 1942-1945
 
Ngoài ra, do thông thạo tiếng Pháp nên đồng chí đã được phân công làm công tác ngoại giao, thay mặt anh em tù nhân đề đạt nguyện vọng với cai tù. Cụ thể như, khi cai tù đối xử không tốt với tù nhân, đánh đập, phạt tội vô cớ, anh em tù nhân họp bàn để đấu tranh, đề đạt nguyện vọng với cai tù. Khi đó đồng chí Nguyễn Văn Kha là người phiên dịch ý kiến của anh em. Khi cai tù đưa ra những hình phạt, những quy định trong Nhà tù Hỏa Lò, chúng cũng gọi đồng chí làm phiên dịch truyền đạt lại cho anh em tù nhân.
Những ngày đầu tháng 3-1945 khi phong trào cách mạng ở bên ngoài đang phát triển mạnh mẽ. Trong Nhà tù Hỏa Lò, các đồng chí cũng chuẩn bị mọi mặt cho một cuộc vượt ngục. Mặc dù bị giám sát rất chặt chẽ, các đồng chí bằng mọi cách vẫn tìm hiểu tình hình bên trong và bên ngoài nhà tù. Bên cạnh những tin tức nội bộ, có bộ phận vẫn bí mật liên hệ mua được các loại báo Đông Pháp, Tin mới. Có đồng chí tìm cách làm quen được với một viên giám thị thuộc phái Đờ - gôn, thỉnh thoảng cũng moi được ít tin tức. Mọi nhận định đều cho rằng phe phát xít cuối cùng sẽ thất bại và cách mạng Việt Nam có những triển vọng sáng sủa hơn. 
 
 
Đồng chí Nguyễn Văn Kha (thứ nhất, bên trái) và một số cựu tù chính trị
tham gia vượt ngục Nhà tù Hỏa Lò vào tháng 3-1945
 
Tháng 3-1945 Nhật đảo chính Pháp, đêm ngày 9-3-1945 trong Nhà tù Hỏa Lò khắp các trại giam bỗng xôn xao bởi tiếng đập tường, những lời trao đổi, âm vang của những tiếng súng từ bên ngoài vọng vào. Nhật đã hất cẳng Pháp, các chòi lô cốt xung quanh trại giam đều do lính Nhật gác.
Tối ngày 11-3-1945 các đồng chí Trần Đăng Ninh, Lê Tất Đắc, Vũ Kỳ, Nguyễn Văn Lợi, Nguyễn Văn Kha, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Trần Châu, Trần Ngọc Chi, Nguyễn Văn Ngọc vượt ngục bằng đường trèo tường.
Sau khi trốn thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Kha bắt liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí được cử đi hoạt động ở tỉnh Hải Dương. 
Hòa bình lập lại, đồng chí lại tiếp tục đảm nhận những vị trí công tác quan trọng như: Cục trưởng Cục Thống kê Trung ương; Uỷ viên Uỷ Ban kế hoạch Nhà nước; Phó chủ nhiệm Uỷ Ban kế hoạch Nhà nước. Trên cương vị là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, đồng chí luôn trăn trở làm sao để đưa nền kinh tế đất nước từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn. 
 
 
Đồng chí Phạm Hữu Đĩnh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Cơ khí và luyện kim;
hằng tháng đều đến thăm đồng chí Nguyễn Văn Kha (bên phải), người lãnh đạo đáng kính của mình
 
Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, đồng chí Nguyễn Văn Kha luôn là một nhà lãnh đạo đức độ, được nhiều đồng nghiệp yêu quý và kính trọng. 
 
Nguyễn Thị Thu Hiền, Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: