Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 30/8/1945, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ Lâm thời, đồng chí Trần Huy Liệu được cử làm Trưởng đoàn, vào Huế chấp nhận sự thoái vị của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Triều Nguyễn.
Trong thời điểm lịch sử ấy, chính Trần Huy Liệu đã viết bức điện từ Huế gửi về Hà Nội để báo cáo tình hình: "... Sáng 29 tới Huế, mấy chục vạn người họp ở sân vận động, nghe diễn thuyết và hoan hô dân chủ cộng hoà. Chiều 29 đã gặp Bảo Đại. Chiều 30 sẽ làm lễ trao quốc quyền tại Ngọ Môn. Sáng 31 sẽ về Bắc mang theo quốc ấn, quốc kiếm, và quốc bảo. Dân chúng nhiệt liệt ủng hộ Chính phủ lâm thời".
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ Lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Đồng chí Trần Huy Liệu cũng báo cáo việc phái đoàn vào Huế nhận việc thoái vị của Bảo Đại và đệ ấn kiếm lên Hồ Chủ tịch, hoàn thành nhiệm vụ quan trọng và cũng đầy vinh dự của mình.
Ngày 26/9/1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Sắc lệnh số 39/SL về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử (gồm 9 người) trong đó có đồng chí Trần Huy Liệu, Ủy viên.
Sắc lệnh số 39/SL, ngày 26/9/1945 của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
về việc thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử
Bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên diễn ra ngày 06/01/1946, đồng chí Trần Huy Liệu được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I. Các hoạt động đối ngoại của Ban Thường trực Quốc hội mà đồng chí tham gia đã góp phần nâng cao địa vị quốc tế của Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác với Quốc hội và nhân dân các nước, có lợi cho công cuộc xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
Các thành viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I, năm 1946
(đồng chí Trần Huy Liệu, hàng đầu, thứ hai từ trái sang)
Trong quá trình công tác, đồng chí Trần Huy Liệu còn giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Chính trị Cục trưởng trong Quân sự Ủy viên hội, Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam…
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã để lại dấu ấn đặc biệt, là “Người viết bản Quân lệnh số 1” và có nhiều đóng góp cho Quốc hội, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong những ngày đầu thành lập.
Tổng hợp và biên soạn: Dương Thanh Hùng