Tin tức– Sự kiện
24/08/2016 09:40 24/08/2016 09:40 2653
Phía sau thành công của “Vị tướng Tư lệnh” (phần 1)
Tôi may mắn được nhiều lần đến thăm gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, nhưng mỗi lần cảm xúc trong tôi lại trào dâng khó tả. Tôi cảm nhận được sự thân mật, ấm áp khi được trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Kỳ - Phu nhân của Đại tướng; cảm giác mình thật nhỏ bé khi thắp nén tâm nhang trước anh linh của người. Đặc biệt, tôi cảm thấy tự hào vì công việc đã tạo cơ hội cho mình được gặp, được nói chuyện, được hiểu hơn về những người đã góp phần làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Trong lịch sử hình thành và phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam, có 3 vị tướng thường được nhiều người nhắc tới, đó là: “Người anh cả” Võ Nguyên Giáp; “Vị tướng phong trào” Nguyễn Chí Thanh và Vị tướng “Tư lệnh của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử” Văn Tiến Dũng.
Ông sinh năm 1917, tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Năm 22 tuổi, ông bị thực dân Pháp bắt, đày đi Nhà tù Sơn La. Năm 1941, ông trốn thoát trên đường bị áp giải từ Sơn La về Hà Nội; năm 1944, bị bắt lần thứ 3 và bị đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò, năm 1945 chuyển về Nhà tù Bắc Ninh, tại đây ông đã vượt ngục thành công. 
Thoát khỏi nhà tù thực dân, Ông đã được giao giữ nhiều trọng trách quan trọng: Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam từ tháng 11/1953 đến tháng 5/1978, ông là Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (tháng 4/1975). Sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
 
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng gặp nhau tại Sài Gòn,
sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước
 
Đại tướng đã đi xa, nhưng người luôn gần gũi, chăm lo cho Đại tướng từ bữa ăn, giấc ngủ vẫn còn đó, bà Nguyễn Thị Kỳ, phu nhân của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Bà sống trong ngôi nhà, giờ đây đã trở thành nơi tưởng niệm Đại tướng. Trong bà, không lúc nào vơi nỗi nhớ, niềm thương tới người chồng đã khuất, đặc biệt khi lặng nhìn lại những kỷ vật vô giá mà ông để lại. 
Tuy đã bước sang tuổi 94, mái tóc bạc trắng như cước nhưng bà vẫn giữ được nước da hồng hào, phong thái nhanh nhẹn từ dáng ngồi đến từng cử chỉ.
 
Bà Nguyễn Thị Kỳ và con gái Văn Tuyết Mai 
 
Cô Văn Tuyết Mai, con gái của Đại tướng đã kể về mẹ mình với lòng tự hào: “Mẹ tôi vốn là con gái gốc Hà thành đấy, Bà duyên dáng, xinh đẹp và thông minh, nhưng cũng rất mạnh mẽ và quyết đoán vô cùng. Tuy là con gái Hà thành, nhưng bà là một người phụ nữ tần tảo, chịu khó. Ngay cả khi bà đã là phu nhân của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, bà vẫn tự tay trồng các loại rau, chăn gà vịt, nuôi lợn để có thêm món ăn mặn cho chồng. Tuy tiêu chuẩn của bố tôi khi làm Bộ trưởng có người giặt, là quần áo. Nhưng là người vốn chu toàn, cẩn thận lại không muốn ỷ lại nên từ cơm nước, đến giặt, là mẹ tôi vẫn tự tay làm cho bố ” (Còn tiếp).
           Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Trưng bày Tuyên truyền

Chia sẻ: