Tin tức– Sự kiện
30/08/2016 15:54 30/08/2016 15:54 3723
Lễ khánh thành khu tưởng niệm các nghĩa sỹ vụ “Hà Thành đầu độc”
Sáng ngày 30/8/2016, Đảng ủy, UBND, HĐND cùng đông đảo nhân dân phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội và gia đình các thân nhân đã trang trọng tổ chức lễ khánh thành Khu tưởng niệm các nghĩa sỹ trong vụ “Hà Thành đầu độc” diễn ra vào năm 1908.
 
“Hà thành đầu độc” là một sự kiện làm chấn động hệ thống cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ. Đó là một cuộc binh biến do chính những binh lính yêu nước người Việt trong quân đội Pháp phối hợp với các sỹ phu và nghĩa quân Đề Thám thực hiện. Theo kế hoạch, các đầu bếp người Việt trong trại lính Pháp dưới sự chỉ huy của cụ Hai Hiên (tức đầu bếp Nguyễn Văn Hiên) sẽ dùng cà độc dược để đầu độc khoảng 2.000 binh lính Pháp thuộc Trung đoàn pháo binh số 4, đóng trong thành Hà Nội. Sau đó báo hiệu bằng 3 phát pháo, để các cánh quân của Đề Thám đã ém sẵn quanh thành tấn công các trại lính Pháp ở Đồn Thủy, Cửa Bắc, Ngọc Hà, tiến tới đánh chiếm phủ Toàn quyền Đông Dương, Tòa Thống sứ Bắc kỳ và Bộ Tham mưu quân đội Pháp.
 
 
Khu tưởng niệm các nghĩa sỹ vụ “Hà Thành đầu độc”
 
Tuy nhiên, do bị hoãn đi, hoãn lại tới 2 lần và có kẻ phản bội đã khai báo, nên kế hoạch đã bị lộ. Ngày 27/6/1908, vụ đầu độc bằng “cà độc dược” đã diễn ra, nhưng chỉ có 250 binh lính Pháp bị ngộ độc nhẹ (không tên nào chết). Quân đội Pháp đã cho đóng cửa toàn bộ các trại lính, tước súng của những binh lính Việt, huy động một lực lượng lớn để truy bắt nghĩa quân ta. Những đầu bếp Việt trong thành không kịp bắn pháo lệnh nên 3 cánh quân của Đề Thám phải rút ra ngoài. Kế hoạch “nội công, ngoại kích” đã thất bại (diễn biến chi tiết của Vụ “Hà Thành đầu độc” chúng tôi xin gửi tới quý vị độc giả trong những bài viết sau). 
Thực dân Pháp đã cho lùng bắt các nghĩa sỹ, lập ra 9 phiên tòa để xét xử với tổng số 75 người bị kết án, trong số đó có tới 18 án tử hình, còn lại là án khổ sai và tù ngồi, họ đã bị đưa về giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò chờ ngày thi hành án.
Trước kẻ thù, cụ Hai Hiên đã  nhận hết trách nhiệm về mình, cụ nói: “Người Việt Nam chúng tôi, ai mà không muốn tiêu diệt các ông, chúng tôi chỉ hận là không đủ vũ khí, giáo mác và súng đạn, vì vậy chúng tôi đành chấp nhận tiến hành đầu độc các ông”.
Các nghĩa sỹ đã ngẩng cao đầu, hiên ngang ra pháp trường. Ngày 03/8/1908, thực dân Pháp đã đưa 3 người gồm: Nguyễn Văn Hiên (Hai Hiên, Bếp Hiên), Cai Ngà và Bếp Xuân đi hành quyết tại khu Vườn Bàng (gần chợ Bưởi, thuộc phường Nghĩa Đô); Tiếp sau đó, ngày 29/8/1908, chúng hành quyết 3 người là Lang Xeo, Cai Xe và Cai Tôn. Cuối cùng, ngày 27/11/1908, chúng hành quyết 4 người là Đỗ Văn Đàm (Đồ Đàm), Đội Hổ, Lý Chánh và Vinh. Hiện nay, khu mộ của những nghĩa sỹ trong vụ “Hà Thành đầu độc” vẫn nằm lẫn trong khu dân cư thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội và được công nhận là di tích cách mạng kháng chiến.
 
 
 
Mặc dù “Hà thành đầu độc” bị thất bại nhưng sự kiện đó đã chứng tỏ binh lính người Việt trong quân đội Pháp cũng là một lực lượng lợi hại trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Cuộc bạo động của binh lính ngay trong lòng địch đã báo trước phong trào đấu tranh cứu nước sẽ lan rộng, huy động được nhiều giới, nhiều tầng lớp tham gia. Nhiều cơ sở của phong trào cách mạng từ đây có chỗ dựa vững chắc.
Khu Tưởng niệm các nghĩa sỹ hy sinh trong vụ “Hà thành đầu độc” được xây dựng là một việc làm rất có ý nghĩa, thể hiện sự biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay với những người đã cống hiến trọn đời mình cho đất nước.
  Nguyễn Khánh Hồng - Phòng Trưng bày, Tuyên truyền
Ảnh: Hoàng Cao Tiến

Chia sẻ: