Tin tức– Sự kiện
13/10/2017 14:40 13/10/2017 14:40 2480
Chuyện của những người quản lý phi công Mỹ (phần 3)
Cuộc chiến tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam vẫn còn đó nhiều câu chuyện chưa được kể, đặc biệt là chuyện về những phi công Mỹ trong Trại giam Hỏa Lò. Cuộc sống của những vị khách đặc biệt, đến từ một cường quốc lớn mạnh nhất thế giới diễn ra như thế nào trong Trại giam Hỏa Lò vẫn luôn là đề tài hấp dẫn với công chúng. 
 
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình,Trung tá Ngô Phong, nguyên Trại trưởng Trại giam phi công Mỹ đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba …. Một người hiền hậu, khiêm nhường, không thích kể thành tích đó là những cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi thực hiện buổi phỏng vấn, ghi hình tại gia đình Trung tá Ngô Phong. Chính bởi vậy, khi được con rể gắn những tấm Huân Huy chương lên bộ quân phục Trung tá Ngô Phong liên tục nói “Thôi thế đủ rồi!”.
 
 
Cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò làm việc với Trung tá Ngô Phong
 
Việc được phân công nhiệm vụ làm Trại trưởng Trại giam Phi công Mỹ của ông Ngô Phong cũng thật tình cờ. Năm 1967, khi đang trong quá trình huấn luyện để chuẩn bị đi B, không may ông bị chảy máu dạ dày, phải đi bệnh viện cấp cứu nên việc đi B của ông phải tạm dừng. Thời điểm này, ở miền Bắc, đế quốc Mỹ tiến hành leo thang bắn phá ác liệt, nhiều phi công Mỹ bị bắn rơi và bị bắt giam tại các trại giam ở Hà Nội và khu vực xung quanh. Cục Địch vận đã quyết định giao nhiệm vụ cho ông Ngô Phong làm Trại trưởng Trại giam Phi công Mỹ ở khu vực Fafilm (T142). Lúc đầu ông thực sự rất băn khoăn, vì ông đã có trên 20 năm là lính chiến, nay lại phải ở miền Bắc để trông giữ mấy tên phi công Mỹ, trong khi đó chiến trường miền Nam đang “nước sôi lửa bỏng”. Nhưng khi tổ chức phân công thì đó là mệnh lệnh của cấp trên nên ông nghiêm túc chấp hành. Khi bắt tay vào công việc ông mới hiểu, quản lý phi công Mỹ không phải là công việc êm đềm và đơn giản. Cũng phải sẵn sàng chiến đấu, đồng thời phải nghĩ cách quản lý vừa cứng rắn vừa mềm dẻo vì họ đều là những người được đào tạo bài bản, có trình độ và là một lực lượng rất tinh nhuệ. Cũng từ đó ông làm công tác Trại trưởng tại các trại giam phi công Mỹ ở Ngã tư Sở, Lý Nam Đế và trại giam phi công Mỹ ở Hỏa Lò cho đến khi hoàn thành việc trao trả tù binh theo tinh thần hiệp định Paris năm 1973.
 
 
Trung tá Ngô Phong cùng gia đình
 
Với gần 3h đồng hồ, ông say sưa kể cho chúng tôi nhiều câu chuyện về phi công Mỹ tại những trại giam ông làm trại trưởng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông thực sự khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Từ chuyện về cuộc sống sinh hoạt của phi công Mỹ trong trại giam đến những lần lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đến trại làm việc. Không chỉ ông nhớ mà vợ, con trai và con rể của ông cũng kể cho chúng tôi nghe nhiều câu chuyện liên quan đến phi công Mỹ như họ là người từng chứng kiến. 
 
 
Gia đình Trung tá Ngô Phong và cán bộ Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò
 
Như câu chuyện về Thủ tướng Phạm Văn Đồng xuống làm việc tại Trại giam phi công Mỹ đã căn dặn ông và những cán bộ tại đây: “Các chú phải quan tâm đến lính Mỹ, để họ hiểu chủ trương của ta mà tuyên truyền cho gia đình họ bên đó. Chúng ta có đánh thắng được Mỹ hay không là phụ thuộc nhiều vào các chú”. Với cương vị là một trại trưởng, ông Ngô Phong luôn ý thức được nhiệm vụ của mình, không chỉ dừng lại ở việc canh giữ tù binh, mà ông và đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước. Ông thường xuyên hỏi cấp dưới: “Các đồng chí thấy hôm nay Phi công Mỹ có phàn nàn gì về chế độ ăn, giờ ra chơi hay sinh hoạt hàng ngày không?” để từ đó ông điều chỉnh những điểm chưa hợp lý, phát huy những mặt đã làm tốt. Đài truyền thanh của trại thường xuyên phát những bài thông báo về tình hình thời sự trong nước và quốc tế để phi công Mỹ nắm được tin tức.
Trước khi chúng tôi ra về, ông Ngô Thiết Hùng, nguyên Thượng tá Công an tỉnh Hưng Yên (con trai Trung tá Ngô Phong) có nói nhỏ với chúng tôi: “Khi các anh chị đặt vấn đề về đây quay phim, ghi hình, gia đình phải giấu không cho bố tôi biết. Vì ông là một người trách nhiệm, luôn lo lắng cho công việc, nếu biết trước ông sẽ mất ăn mất ngủ mấy ngày liền, không giữ được sức khỏe và minh mẫn như hôm nay đâu”. Điều này, khiến chúng tôi càng thấm thía sâu sắc, chúng ta được hưởng trọn vẹn hòa bình độc lập như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh quá lớn của thế hệ đi trước. Trong đó không thể không nhắc đến những công việc thầm lặng của những người lính đã từng chiến đấu trên mặt trận đặc biệt không tiếng súng, đó là những cán bộ chiến sĩ làm công tác quản lý phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam.
 
        Nguyễn Thị Thu Hiền - Phòng Nghiên cứu Sưu tầm

Chia sẻ: