Như đã thành thông lệ, cứ mỗi độ tháng Mười về, Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Thanh Liệt lại tổ chức buổi gặp mặt truyền thống. Cuộc gặp mặt lần này được tổ chức đúng vào ngày 10/10/2017.
Đầu những năm 1950, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực dân Pháp ra sức khủng bố hòng dập tắt, nhiều cơ sở cách mạng bị vỡ, một số lượng lớn cán bộ bị địch bắt. Ở Hà Nội, ngoài Nhà tù Hỏa Lò, thực dân Pháp còn cho lập thêm các trại giam: Nhà Tiền, Nhà Rượu - Gia Lâm và “Trại an trí Thanh Liệt” nhưng thực chất đó là Nhà tù Thanh Liệt, nơi giam giữ “vô thời hạn” nhiều chiến sỹ cách mạng mà chính quyền thực dân không đủ bằng chứng để kết án tù.
Phần lớn các chiến sỹ cách mạng trước khi bị đưa tới Trại an trí Thanh Liệt đều đã phải trải qua một thời gian tạm giam tại Nhà tù Hỏa Lò, có những người còn bị chuyển đi, chuyển lại giữa Hỏa Lò và Thanh Liệt tới vài ba lần. Dù bị giam giữ trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, các chiến sĩ vẫn một lòng trung thành với Đảng, kiên trung trước kẻ thù, tìm mọi cách hoạt động, tuyên truyền cách mạng ngay trong nhà tù, giữ vững phong trào đấu tranh của anh em tù nhân. Có thể kể ra đây các tấm gương như: đồng chí Nguyễn Văn Phúc (tức Phúc Thổ thần), người luôn đứng đầu mọi trận tuyến đấu tranh trong các nhà tù, từng bị giam giữ tại Hỏa Lò, Sơn La, Thanh Liệt, một người mà chỉ cần nhắc tới tên đã khiến kẻ thù phải kính nể, anh chị em tù nhân luôn kính trọng; Sau khi ra tù, đồng chí là Trưởng ban Kiểm tra của Thành ủy Hà Nội. Là hình ảnh chiến sỹ cách mạng, nhà sư Trần Văn Long, một con người thoạt nhìn đã toát lên vẻ thánh thiện, tính cách nhẹ nhàng, luôn nhường nhịn những phần thức ăn tốt hơn cho đồng đội, đồng chí. Sau khi ra tù, Trần Văn Long lại báo cáo với tổ chức xin trở lại nhà chùa để tiếp tục tu hành, đó chính là Hòa Thượng Thích Thanh Tứ - nguyên Phó Pháp chủ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhiều khóa liền được bầu là đại biểu Quốc hội…
Buổi gặp mặt của Ban Liên lạc chiến sỹ cách mạng
bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Thanh Liệt
Thủ đô Hà Nội giải phóng, hàng trăm chiến sỹ cách mạng Thanh Liệt năm xưa lại được trở về trong vòng tay người thân, về lại quê hương, tiếp tục công tác và cống hiến, nhiều người trong số họ đã đóng góp sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp phát triển của Thủ đô Hà Nội. Hơn 60 năm đã qua đi, số người còn lại giờ đây chỉ dừng ở con số hàng chục, nhưng đã thành thông lệ, cứ đến dịp 10/10, các thành viên của Trại an trí Thanh Liệt năm xưa lại trở về quây quần bên nhau. Trong không khí xúc động, những người bạn tù cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên khi họ sát cánh cùng nhau đấu tranh chống lại chế độ giam giữ hà khắc của kẻ thù, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng… Hiện nay, các thành viên Ban Liên lạc Nhà tù Thanh Liệt tại Hà Nội đều ở độ tuổi từ 80 đến 90, sức khoẻ ngày càng giảm sút, nhưng họ vẫn là những công dân Thủ đô mẫu mực, tham gia tích cực vào các công tác xã hội, công tác giáo dục truyền thống ở địa bàn dân cư, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Đặc biệt, trong buổi họp mặt truyền thống lần này, Ban Ban Liên lạc Nhà tù Thanh Liệt còn được đón Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, Trưởng ban Ban Đại diện 15 Ban Liên lạc các nhà tù hiện đang sinh hoạt tại Hà Nội tới dự và chia sẻ những cảm xúc, sự đồng cảm của những chiến sỹ cách mạng từng bị giam giữ trong các nhà tù thực dân, may mắn được trở về, được gặp gỡ lại đồng đội, đồng chí năm xưa, có lẽ đây chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà ai cũng cảm nhận được.
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương phát biểu tại buổi gặp mặt
Xin được mượn bài thơ của tác giả Trung Nguyên để làm lời kết cho bài viết này:
Thấm thoát tuổi đời đã tám mươi
Ngẫm việc riêng công dạ bồi hồi
Kháng chiến hai thời đầy nhiệt huyết
Tù tội mấy lần trải gian lao
Gia đình hòa thuận đông con cháu
Bằng hữu tâm giao ít kẻ còn
Mừng Đảng quang vinh non nước thịnh
Vui tình đồng đội chẳng hề phai./.
Nguyễn Thị Khánh Hồng - Phòng Giáo dục - Truyền thông